Hàng loạt ứng dụng di động Trung Quốc quay lưng với H&M
Vào cuối năm ngoái, H&M thông báo sẽ không sử dụng bông vải ở Tân Cương sau những cáo buộc về việc cưỡng bức lao động với người Hồi giáo ở Duy Ngô Nhĩ.
Đáp lại, Bắc Kinh phụ nhận các cáo buộc và mô tả các trại tập trung là nơi giáo dục nghề, giúp sức trong cuộc chiến chống chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Mới đây, vào hôm thứ 5, trên ứng dụng đặt xe hàng đầu ở Trung Quốc là Didi Chuxing đã không còn xuất hiện các kết quả tìm kiếm liên quan đến H&M. Phía công ty cũng chưa đưa ra câu trả lời khi được hỏi về động thái này.
Trước đó, ngoài Didi, ông lớn thương mại điện tử Alibaba, ứng dụng mua sắm Meituan và ứng dụng bản đồ của Baidu đã loại bỏ H&M ra khỏi danh sách của mình.
Chịu chung số phận với H&M, các thương hiệu của Burberry, Nike, Adidas cũng phải đối mặt với làn sóng tẩy chay trên mạng sau khi đưa ra thông báo tương tự về nguồn vải bông của họ ở Tân Cương.
Mục Human Rights (tạm dịch: quyền con người) trên website hmgroup.com vào hôm thứ 6 đã không còn gắn đường dẫn liên kết tới thông báo 2020 về Tân Cương. Tuy nhiên, thông báo này vẫn có thể tìm kiếm thông qua địa chỉ trực tiếp của trang.
Vào hôm thứ 25/3, các thông báo bày tỏ quan ngại về tình trạng cưỡng bức lao động ở Tân Cương từng xuất hiện trên các trang web của Inditex, VF Corp và Abercrombie & Fitch nay đã không còn khả dụng.
Trả lời Reuters, VF Corp cho biết thông báo trên trang web của họ không nói tới nguồn từ Tân Cương. Tuy nhiên, dữ liệu trên Google cho biết đoạn thông báo đã được thêm lại trong vòng 4 ngày qua và VF đã không phản hồi khi được hỏi vì sao lại xóa bỏ thông báo cũ. Ngoài ra, cả PVH, Inditex và Abercrombie & Fitch cũng không lên tiếng.
Phản ứng của các ngôi sao Trung Quốc
Hôm 26/3, thương hiệu thời trang đến từ Đức Hugo Boss nói rằng bài đăng xuất hiện trước đó một ngày trên mạng xã hội Weibo không nói lên quan điểm của họ và đã được xóa. Trước đó một ngày, tài khoản Weibo của Hugo Boss đã nhắn tin nói rằng "sẽ tiếp tục nhập và ủng hộ bông vải Tân Cương."
Tuy nhiên, trả lời với Reuters hôm thứ 6, Carolin Westermann - người phát ngôn của Hugo Boss cho biết hãng chưa từng mua bất cứ hàng hóa nào có nguồn gốc ở Tân Cương từ các nhà cung cấp.
Rất nhiều ngôi sao giải trí nổi tiếng Trung Quốc đã đồng loạt quay lưng với các thương hiệu bán lẻ nước ngoài. New Balance, Under Armour, Tommy Hilfinger và Converse đều chịu chung số phận với H&M sau khi họ tuyên bố sẽ không sử dụng bông vải Tân Cương.
Adidas, Puma và cả thương hiệu thời trang Uniqlo cũng bị ảnh hưởng. Người đại diện của Uniqlo cho biết đại sứ thương hiệu của họ ở Trung Quốc đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trong khoảng 2 ngày qua, đã có ít nhất 27 diễn viên và ca sĩ Trung Quốc tuyên bố dừng hợp tác với các thương hiệu nước ngoài. Hành động của họ đã được dân mạng Trung Quốc ca ngợi vì lòng yêu nước, nhanh chóng chiếm trending trên Weibo.
"Quay lưng không đồng nghĩa với việc tôi vứt hoặc phá bỏ những sản phẩm đã từng mua trước đây. Hiện tại, tôi sẽ tránh chọn những thương hiệu đó khi mua sắm," diễn viên Lucy Liu, người đóng vai chính trong bộ phim "Những thiên thần của Charlie" chia sẻ.