Cộng đồng mạng tẩy chay H&M do nghi vấn đăng tải bản đồ hình lưỡi bò
Sau vụ bị tẩy chay tại Trung Quốc, hãng thời trang H&M mới đây đã chấp nhận đăng tải bản đồ Trung Quốc có hình "lưỡi bò", theo AP, khiến cộng đồng Việt Nam phẫn nộ. Làn sóng phản đối H&M dấy lên từ cái bài đăng trên mạng xã hội Facebook và Twitter.
Trên trang Facebook chính thức của hãng, người dùng liên tục đăng tải hình ảnh cùng bình luận đòi tẩy chay H&M ra khỏi thị trường Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Một tài khoản đưa ra bình luận: "Đề nghị H&M đưa ra lời giải thích và sửa sai". Tài khoản khác đòi chuỗi cửa hàng này nên đóng cửa kinh doanh.
Bài đăng gần đây nhất của H&M hiện đã tràn ngập bình luận đòi tẩy chay của cộng đồng Việt Nam. (Ảnh: Chụp màn hình FB H&M).
Bình luận trên trang Facebook của H&M, Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 1 Lương Tuấn Phi bày tỏ trước hành động của H&M hôm 3/4: "Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền".
Trên Facebook, các từ khóa Hashtag như #HoangSaTruongSabelongtoVietNam, #TaychayHM hiện có tổng cộng gần 5.000 lượt đề cập. Chúng tôi đã liên lạc với H&M để hỏi rõ hơn về vụ việc nhưng không nhận được phản hồi.
Vụ việc ngày càng trở nên nóng hơn khi cộng đồng mạng Việt Nam muốn gây áp lực thêm với H&M bằng cách đẩy các bài đăng gắn Hashtag tẩy chay thương hiệu thời trang lên Google Trend để cộng đồng thế giới biết đến thông tin này.
Theo đó, các từ khóa như #taychayHM trong vòng một buổi sáng đã có gần 10.000 bài đăng gắn Hashtag. Từ khóa #BoycottHM hiện cũng đã có hơn 4.000 lượt đề cập.
Chủ đề "China" nằm trong top các chủ đề nổi trội ở Việt Nam với 343.000 lượt tweet, theo thống kê từ Twitter.
Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng Việt sử dụng mạng xã hội như một công cụ để đòi lại công bằng trước sự việc sai trái.
Vụ gần nhất, hashtag #ApologizetoVietNam (Xin lỗi Việt Nam) được chia sẻ rộng rãi khi một nhà đài Hàn Quốc chia sẻ thông tin thiếu tính đa chiều liên quan đến vụ việc 20 du khách Hàn Quốc bị cách ly khi bay từ vùng dịch Daegu, Hàn Quốc tới Đà Nẵng vào năm ngoái.
Một vài người trong đoàn khách trên nhận lời phỏng vấn của nhà đài Hàn Quốc, liên tục phàn nàn về hoạt động cách ly, cơ sở vật chất cũng như đồ ăn của Việt Nam. Sự việc đã gây phẫn nộ trong cộng đồng Việt, sau đó, nhà đài và những người liên quan đã lên tiếng xin lỗi.
Quay trở lại với sự việc của H&M, mọi thứ bắt đầu khi hãng này thông báo sẽ không sử dụng bông vải ở Tân Cương (Trung Quốc) sau những cáo buộc về việc cưỡng bức lao động với người Hồi giáo ở Duy Ngô Nhĩ vào tháng 9 năm ngoái, theo Reuters.
Vào cuối tháng 3 này, làn sóng tẩy chay và kêu gọi H&M rời khỏi Trung Quốc lan rộng. Mặc dù đã trấn an cộng đồng nước này bằng cách nói thêm rằng hiện tại hãng không mua trực tiếp sản phẩm bông, sợi từ bất kỳ nhà cung ứng nào, nhưng làn sóng tẩy chay gia tăng từng ngày.
Vị trí các cửa hàng H&M bị xóa khỏi bản đồ online của Trung Quốc, thậm chí cửa hàng hiện hữu còn bị buộc phải đóng cửa.
Theo thống kê từ Reuters, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 trên thế giới của H&M với doanh số trong 12 tháng (tính đến 11/2020) đạt mốc 339 triệu USD.
Tờ ABC News hôm 2/4 có bài viết H&M "đồng ý thay đổi một bản đồ có vấn đề". Theo đó, công ty bị áp lực phải thay đổi việc thể hiện bản đồ đoạn biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.