|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai sợi cáp quang sẽ bảo vệ tương lai công nghệ Mỹ khỏi tay Trung Quốc

09:14 | 12/04/2021
Chia sẻ
Facebook và Google đang tìm cách lắp tuyến cáp biển nối Mỹ với Singapore. Bloomberg cho rằng đây là một chiến lược khôn khoan để chính quyền Tổng thống Biden đối phó Trung Quốc.

Thần thoại Bắc Âu trong đời thực

Trong thần thoại Bắc Âu, Bifrost là một cây cầu rực rỡ kết nối Midgard - thế giới của thường dân và Asgard - lãnh địa của những vị thần. Các vị thần tạo ra cây cầu với ba màu cơ bản (đỏ, xanh dương và xanh lá cây) tượng trưng cho lửa, không khí và nước. Dưới cây câu là lửa đỏ, giúp ngăn những loài khổng lồ băng xâm phạm thế giới của thần linh.

Năm 2021 cũng có một cây cầu Bifrost nhưng không phải trong thần thoại mà chính là tuyến cáp quang kết nối Mỹ và Singapore do các ông lớn ở Thung lũng Silicon tài trợ. Tuyến cáp này được cho là có thể giúp Mỹ đối phó với Trung Quốc.

Bloomberg cho biết Bifrost là một trong hai tuyến cáp quang xuyên Thái Bình Dương mới của Mỹ nhằm tăng cường đường truyền dữ liệu với Singapore mà không dính dáng đến Trung Quốc. Google và Facebook là hai công ty công nghệ hỗ trợ phát triển dự án này.

Hai tuyến cáp quang mới là dấu hiệu cho thấy thế giới ngày càng cảnh giác với Trung Quốc và phụ thuộc nhiều hơn vào những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, Bloomberg nhận xét.

Hai sợi cáp quang sẽ bảo vệ tương lai công nghệ Mỹ khỏi tay Trung Quốc - Ảnh 1.

Toàn cảnh hệ thống cáp biển chẳng chịt trên toàn thế giới. (Ảnh chụp màn hình từ submarinecablemap.com).

Trên toàn cầu có khoảng 500 tuyến cáp ngầm, khá nhiều trong số này được nối dọc các tuyến đường vận tải biển quan trọng trong lịch sử. Hiện tại bên dưới Biển Đỏ, Bắc Đại Tây Dương và đặc biệt là Biển Đông đang tập trung một lượng lớn cáp ngầm này.

Trên thực tế, hầu hết các tuyến cáp nối Bắc Mỹ với châu Á đều tập trung tại Nhật Bản trước khi đi vòng qua Đài Loan và qua Biển Đông. Tuy nhiên, lộ trình này lại bộc lộ hai vấn đề.

Thứ nhất, các trận động đất thường xuyên xảy ra ngoài khơi Đài Loan có thể làm đứt cáp và gây gián đoạn đường truyền. Thứ hai, các tuyến cáp trọng yếu này quá gần Trung Quốc. Tình báo Mỹ ngày càng xem đây là rủi ro đáng ngại. Ông James Stavridis, một đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là cây bút của Bloomberg Opinion, cũng từng bày tỏ lo ngại vào năm 2019.

Mới năm ngoái, Google và Facebook đã phải từ bỏ kế hoạch phát triển một tuyến cáp riêng biệt nối Hong Kong với Mỹ, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) yêu cầu Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ từ chối cấp phép cho dự án của hai ông lớn công nghệ.

DOJ lập luận, tuyến cáp trên sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc tiếp cận dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ. Quyết định của DOJ bắt nguồn từ lo ngại xoay quanh một trong các đối tác của Google và Facebook là Pacific Light Data Communication (PLDC). PLDC là doanh nghiệp có trụ sở tại Hong Kong nhưng do công ty viễn thông Trung Quốc Dr. Peng Telecom & Media Group nắm đa số cổ phần.

Hai sợi cáp quang sẽ bảo vệ tương lai công nghệ Mỹ khỏi tay Trung Quốc - Ảnh 2.

Hai tuyến cáp mới - Bifrost và Echo - sẽ nối thẳng từ Thái Bình Dương đến đảo Guam của Mỹ, xuyên qua các đảo của Indonesia, đến Biển Java và vào Singapore. Tức là, hai dự án cáp ngầm này gần như không dính dáng gì với Trung Quốc, giúp tránh được hai vấn đề lớn nêu phía trên.

Tại sao phải kỳ công lắp hai tuyến cáp?

Theo lý giải của Bloomberg, hai tuyến cáp mới có ý nghĩa chiến lược. Các loại cáp này có tuổi thọ khoảng 15 - 20 năm. Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hành động táo bạo, xây dựng các đường truyền dữ liệu tránh mặt Trung Quốc là rất khôn ngoan.

Bifrost và Echo còn cho phép Google và Facebook tiếp cận cổng dữ liệu nối với các thị trường đang phát triển rất nhanh chóng như Indonesia và Malaysia. Chiến lược này giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro địa chính trị một cách hiệu quả.

Kết nối với Singapore cũng là một hướng đi khôn ngoan khác. Nhà phân tích Alan Mauldin của công ty nghiên cứu thị trường Telegeography cho biết, quốc đảo sư tử không chỉ là một trung tâm thương mại toàn cầu mà còn là một mắt xích quan trọng trong đường truyền dữ liệu từ Biển Đông đến khu vực Đông Bắc Á và Ấn Độ và cuối cùng là đến phương Tây.

Singapore còn mang ý nghĩa to lớn hơn khi Trung Quốc dần siết chặt quyền kiểm soát Hong Kong - đối thủ kinh tế của quốc đảo sư tử và cũng là một cầu nối dữ liệu quan trọng ở châu Á.

Tuyến cáp mới của Mỹ còn kể một câu chuyện quan trọng về chính hai ông lớn công nghệ tham gia vào dự án. Facebook cho biết Bifrost và Echo sẽ tăng 70% dung lượng dữ liệu trên khắp Thái Bình Dương. Một phần lớn trong miếng bánh đó sẽ dành riêng cho Google và Facebook.

Do đó, hai dự án cáp biển mới không chỉ cải thiện kết nối Internet ở các thị trường tiềm năng của Google và Facebook mà còn giúp giảm chi phí thuê đường truyền dữ liệu của hai gã khổng lồ này trong tương lai. Khi nhu cầu sử dụng dữ liệu tăng lên cùng với sự ra đời của mạng 5G, hai tuyến cáp quang mới sẽ giúp Google và Facebook có lợi thế hơn so với những đối thủ không dư dả tài chính bằng.

Hai sợi cáp quang sẽ bảo vệ tương lai công nghệ Mỹ khỏi tay Trung Quốc - Ảnh 3.

Mỗi tuyến cáp có thể tiêu tốn vài trăm triệu USD để xây dựng. Google hiện đã đầu tư vào ít nhất 15 dự án cáp biển trên toàn thế giới, trong khi Facebook công khai tham gia vào khoảng một chục dự án. Amazon và Microsoft - hai đối thủ cạnh tranh của Google trong mảng điện toán đám mây, cũng đang mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng dưới biển. 

Khả Nhân