Bloomberg: Trung Quốc đang cần một 'khoảnh khắc Lehman'
“Khoảnh khắc Lehman” chưa xuất hiện
Hệ thống tài chính Trung Quốc dường như đang trên bờ vực sụp đổ, tờ Bloomberg nhận xét.
Country Garden, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc với hơn 3.000 dự án, đang có nguy cơ vỡ nợ.
Zhongzhi Enterprise Group, một trong những nhà quản lý tài sản tư nhân lớn nhất đất nước, đã không thể thanh toán cho nhà đầu tư.
Cùng lúc đó, những tín hiệu đáng ngại từ chính quyền các địa phương vẫn tiếp tục gia tăng. Các địa phương này từng phụ thuộc rất nhiều vào việc bán đất để có thêm nguồn thu.
Nếu như ở phương Tây, những sự kiện trên gần như chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính, Bloomberg nhận định.
Chỉ riêng cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn năm 2008 đã hạ gục Lehman Brothers, một trong những tổ chức cho vay uy tín nhất Phố Wall.
Năm nay, chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến hàng loạt ngân hàng khu vực sụp đổ.
Đến giờ, các nhà đầu tư vẫn lo lắng về những khoản vay mà các ngân hàng Mỹ cấp cho lĩnh vực bất động sản thương mại bởi phân khúc này đang khá trầm lắng khi người lao động ngần ngại trở lại văn phòng làm việc.
Vậy, liệu tình hình ở Trung Quốc có thực sự ổn hay không khi nước này đang phải chịu “cú đấm kép”: thị trường bất động sản sa sút và sức mạnh tài khoá của chính quyền địa phương suy yếu.
Theo ước tính của Goldman Sachs, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 94.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 12.900 tỷ USD) nợ của các chính quyền địa phương, tương đương 29% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng nước này còn có nắm giữ khoảng 58.000 tỷ nhân dân tệ nợ và khoản vay của lĩnh vực bất động sản. Vậy thì, tại sao “khoảnh khắc Lehman” chưa xuất hiện ở Trung Quốc, Bloomberg đặt câu hỏi.
Tại sao chưa xuất hiện?
Trung Quốc có một nền kinh tế rất khác. Trong khi các ngân hàng lớn tại Mỹ đang gấp rút giảm quy mô cho vay đối với lĩnh vực bất động sản thương mại, các tổ chức tài chính tại Trung Quốc chỉ có thể ngồi yên.
Theo Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh sẽ cho phép hàng chục tỉnh thành đang mắc nợ được phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá tới 1.500 tỷ nhân dân tệ để tái cấp vốn.
Theo ước tính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ phát hành bởi các LGFV - công cụ đặc biệt để chính quyền địa phương đi vay mà không cần liệt kê vào bảng cân đối kế toán, đã tăng lên 57.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 48% GDP năm ngoái.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang hạ lãi suất để giảm bớt gánh nặng thanh toán lãi vay thế chấp cho người đi vay.
Ngay cả “chúa chổm” Evergrande cũng đã thành công gia hạn thời hạn thanh toán lãi trái phiếu bằng nhân dân tệ dù tập đoàn này đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế.
Mặc dù không biện pháp nào có thể thay đổi được tình cảnh khó khăn của Trung Quốc, áp lực thanh khoản mà khách hàng của nhiều ngân hàng phải đối mặt ít nhất cũng đã giảm bớt phần nào.
Trung Quốc cần một “khoảnh khắc Lehman”
Bloomberg cảnh báo rằng cách làm của Trung Quốc sẽ chỉ cản trở hệ thống ngân hàng và sự phục hồi của nền kinh tế. Một số chuyên gia nói Trung Quốc cần một “khoảnh khắc Lehman” để loại bỏ khối nợ đã tích tụ quá lâu.
Sau khi đột ngột mở cửa nền kinh tế trở lại vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh muốn các quỹ nước ngoài tái gia nhập thị trường và mua tài sản Trung Quốc.
Song, hệ thống ngân hàng yên tĩnh một cách kỳ lạ đã trở thành một trở ngại với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ lo lắng về những rủi ro tiềm tàng tại thị trường tỷ dân.
Giờ đây, họ đang lo về Zhongzhi Enterprise Group, một công ty tài chính giám sát khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ tài sản và hiện đã chậm thanh toán một số sản phẩm đầu tư cho khách hàng.
Zhongzhi là một ngoại lệ hay là hình ảnh thường hay xuất hiện trong hệ thống ngân hàng bóng tối của Trung Quốc?
Lĩnh vực ngân hàng chính thống cũng đang gặp rắc rối, Bloomberg cho hay. Do lãi suất cho vay thế chấp đi xuống, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng Trung Quốc đã giảm xuống dưới 1,8%, một ngưỡng được coi là cần thiết để ngành này duy trì khả năng sinh lời.
Liệu các ngân hàng có đủ bộ đệm vốn hay không? Liệu họ có thể tăng vốn trong tương lai? Cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hong Kong đã giảm hơn 7% trong năm nay và hiện chỉ cao hơn giá trị sổ sách 0,3 lần.
Nhìn chung, Trung Quốc có một công cụ “ngắt mạch” rất hiệu quả có thể quản lý khối nợ khổng lồ mà không làm thị trường tài chính sụp đổ.
Tuy nhiên, chỉ đến khi nước này trải qua quá trình thanh lọc kiểu Lehman và loại bỏ những khoản nợ kém lành mạnh, nhà đầu tư nước mới hết bất an về thị trường tỷ dân.