Bloomberg: Ông Biden đừng chuyển hết chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về quê nhà
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden được dự đoán là sẽ tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19 và đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái. Song, ông Biden cũng đã cam kết sẽ thay đổi chiến lược quản lý chuỗi cung ứng của nước Mỹ.
Theo Bloomberg, điều chỉnh chuỗi cung ứng sẽ giúp Mỹ vững vàng hơn khi đối mặt với khủng hoảng, đặc biệt là sau khi chính quyền của ông Trump phải chật vật mua vật liệu và thiết bị bảo hộ y tế trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Tuy nhiên, rõ ràng là ông Biden đang muốn tách rời chuỗi cung ứng của Mỹ và các đồng minh ra khỏi Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh về công nghệ, địa chính trị và kinh tế ngày càng leo thang giữa hai siêu cường Mỹ - Trung càng khiến kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng trở nên cấp thiết hơn.
Song, mục tiêu trên đòi hỏi ông Biden phải làm sao cho chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả hơn, thay vì chỉ đơn thuần là đưa hàng loạt công ty chế tạo của Mỹ trở về quê nhà.
Tạo nhiều việc làm không bằng tạo việc làm giá trị cao
Đa dạng hóa (diversification) không giống với đưa chuỗi cung ứng về nước (reshoring). Mô hình sản xuất phân tán mà các công ty đa quốc gia xây dựng được trong ba thập kỷ qua sẽ không thu về một mối như trước.
Lợi thế của nền kinh tế Mỹ là công nghệ tiên tiến, môi trường kinh doanh thuận lợi và lực lượng người tiêu dùng giàu có chứ không phải mức lương thấp và quy định thông thoáng. Các lợi thế này đương nhiên sẽ không thay đổi.
Khi rút chuỗi cung ứng ra khỏi đất nước tỉ dân và chuyển sang các nước đồng minh, chính quyền của ông Biden không nên tập trung mang các công việc lắp ráp cấp thấp về quê nhà mà nên nhắm đến các phân khúc giá trị cao nhất trong chuỗi sản xuất.
Tổng thống Trump đã cố gắng buộc doanh nghiệp Mỹ trở về quê nhà, song lại thất bại đau đớn. Ông Trump từng kêu gọi Foxconn Technology Group mở một nhà máy lớn ở bang Wisconsin, nhưng thực tế không được hoành tráng như kỳ vọng.
Vấn đề chính là điện thoại iPhone của Apple và máy chơi game PlayStation của Sony không nên được sản xuất ở Mỹ. Ngoài phụ thuộc vào chi phí lao động, các công ty như Foxconn còn vận hành dựa vào khả năng thuê hàng trăm nghìn công nhân thời vụ, không bị ràng buộc bởi công đoàn hay hợp đồng dài hạn.
Chia sẻ với Bloomberg, các giám đốc của Foxconn cho biết họ không nhận thấy người lao động Mỹ thực sự muốn đứng dây chuyền để lắp ráp các mặt hàng như iPhone và iPad.
Thậm chí tại Trung Quốc, nền kinh tế sở hữu lực lượng lao động lớn gấp 5 lần tại Mỹ, ngày càng có ít người muốn làm những công việc tay chân này.
Hơn nữa, công việc lắp ráp không tạo ra nhiều giá trị. Nhìn vào biên lợi nhuận gộp của Hon Hai, công ty con của Foxconn năm 2019, chúng ta sẽ thấy Hon Hai chỉ tạo ra 5,91 USD lợi nhuận trên mỗi sản phẩm trị giá 100 USD. Trong khi đó, Apple thu về 38,23 USD từ mỗi thiết bị, phần mềm hoặc dịch vụ của hãng.
Thu hút công ty đồng hương của Foxconn, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) đến bang Arizona là ý tưởng hay hơn. Tuy nhiên, ngành bán dẫn lại cần nhiều vốn và ít lao động hơn nên chính quyền của ông Biden sẽ cần phải thiết lập các mục tiêu cụ thể về số lượng và đầu mục công việc mà họ muốn tạo ra trên đất Mỹ.
Phần lớn đầu mục công việc ở TSMC sẽ đòi hỏi trình độ cao cấp hơn, vì 75% nhân viên của ông lớn này đều tốt nghiệp đại học và 50% lực lượng lao động có bằng sau đại học. Bloomberg dự đoán, đây sẽ là cơ hội lớn cho các kỹ sư và trường đại học tại Mỹ.
Công việc trong ngành bán dẫn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với trong ngành lắp ráp. Tuy nhiên, ngành bán dẫn lại không đòi hỏi nhiều lao động. Do đó, để tạo ra nhiều việc làm, ông Biden sẽ cần phải tận dụng ngành dịch vụ trong nước, mà điểm này thì chính phủ mới dường như đã hiểu rõ.
Điều đó đặt ra câu hỏi, Mỹ nên đặt chuỗi cung ứng ở đâu. Bloomberg đề xuất Washington nên thảo luận cùng các doanh nghiệp trong ngành nghề liên quan để vạch ra những gì nên và không nên làm tại Mỹ.
Ví dụ, xe điện ngày nay thường yêu cầu các thành phần và mô-đun phức tạp, đòi hỏi phải sử dụng công nghệ cao thay vì lao động giá rẻ. Máy chủ, thiết bị viễn thông và hệ thống vũ khí điện tử cũng là những sản phẩm có sản lượng thấp nhưng giá cao mà Mỹ có thể sản xuất trong nước.
Phụ thuộc một phần vào đồng minh
Mảnh ghép khác của câu đố sẽ liên quan đến các đồng minh hiện tại và tương lai của Mỹ.
Ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ tương lai, nên thực hiện một chuyến công du thế giới để thu xếp các thương vụ đầu tư nhằm đưa ngành sản xuất rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt.
Theo Bloomberg, chính quyền của ông Biden cần phải làm một số việc sau: xây dựng chính sách Con đường Silicon để cạnh tranh với Trung Quốc và đảm bảo chỉ đồng minh đáng tin cậy mới biết được công nghệ Mỹ.
Bằng cách dịch chuyển dây chuyền sản xuất không phù hợp với Mỹ đến các nền kinh tế như Đài Loan, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Bangladesh và Mexico, Washington có thể xây dựng quan hệ đối tác bền chặt thông qua tạo việc làm, đầu tư và chuyển giao công nghệ có kiểm soát.
Việt Nam cho thấy tiềm năng đặc biệt lớn, là lựa chọn thay thế hàng đầu cho Trung Quốc. Bằng chứng là Samsung Electronics đã tuyển dụng hơn 100.000 công nhân tại nước ta.
Gần đây, Việt Nam đã tiến hành nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng các tuyến cao tốc mới tại TP HCM và Hà Nội. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một trong các đơn vị tài trợ vốn vay. Chính phủ Mỹ có thể tiếp cận Việt Nam theo hình thức tương tự ADB hoặc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Để đạt được thành công, chính quyền ông Biden nên tạo ra thay đổi lớn so với chiến lược thương mại hiếu chiến của ông Trump, vốn chủ yếu liên quan đến thuế quan và biện pháp trừng phạt.
Chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn sẽ tồn tại, nhưng Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể chọn dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đến những địa điểm ổn định và thuận lợi hơn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/