Bloomberg: Khác với năm 2019, chính sách tiền tệ của loạt NHTW thế giới năm 2020 sẽ yên ả hơn
2019 là năm mà nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) tham gia vào cuộc chơi cắt giảm lãi suất để đối phó với sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài và hoạt động sản xuất trì trệ.
Một số NHTW, chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ít nhất đã tiến hành tăng lãi suất trước năm 2019, tạo cơ hội để nhà hoạch định nới lỏng chính sách giữa lúc tăng trưởng kinh tế tụt dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, một số NHTW khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại rơi vào thế khó và buộc phải hạ lãi suất chuẩn xuống dưới mức 0, tạo ra thái độ hoài nghi về chính sách lãi suất âm.
2020 dường như là một năm bình yên hơn cho chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa có thể bắt đầu nâng đỡ nền kinh tế và triển vọng tăng trường có vẻ tươi sáng hơn một chút.
Mặc dù vậy, các số liệu kinh tế đa phần phát đi tín hiệu lẫn lộn chứ không phải tích cực. Sau khi cân nhắc nhiều khía cạnh, Bloomberg nhận định chính sách tiền tệ vẫn nghiêng về hướng ôn hòa.
Trong khi một số NHTW hàng đầu dự kiến "gác súng", số khác, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, được dự đoán sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
Fed
- Lãi suất quĩ liên bang hiện tại (giới hạn trên): 1,75%
- Dự báo đến cuối năm 2020: 1,75%
Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến thị trường không nghi ngờ gì về việc lãi suất của NHTW quyền lực bậc nhất thế giới này sẽ giữ nguyên trong thời gian dài.
Cụ thể, vào ngày 11/12, ông Powell cho biết lập trường chính sách hiện tại của Fed là phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát gần mức mục tiêu 2%.
Chủ tịch Powell đưa ra phát biểu nói trên sau khi các nhà hoạch định chính sách quyết định giữ lãi suất ổn định trong phạm vi mục tiêu 1,5 - 1,75% sau ba lần hạ lãi suất liên tiếp và công bố dự báo cho thấy 13 trong số 17 quan chức của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhận định sẽ không có thay đổi nào về lãi suất trong năm 2020.
Theo Bloomberg, tuyên bố trên sẽ giúp Fed đứng ngoài lề cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới.
Tuy nhiên, NHTW Mỹ cũng không hoàn toàn lui về sau. Căng thẳng trên thị trường tiền tệ đã thúc đẩy Fed mua tín phiếu Kho bạc Mỹ để khôi phục dự trữ dồi dào trong hệ thống ngân hàng.
Một số nhà đầu tư lập luận Fed sẽ cần phải mở rộng phạm vi của các giao dịch này sang cổ phiếu coupon ngắn hạn. Ông Powell cho hay họ chưa sẵn sàng thực hiện bước đ như vậy, nhưng sẽ hành động nếu cần thiết.
ECB
- Lãi suất tiền gửi hiện tại: -0,5%
- Dự báo cho đến cuối năm 2020: -0,5%
ECB đã cam kết tăng cường kích thích kinh tế trở lại nếu cần thiết, tuy nhiên các quan chức đã công khai phát tín hiệu rằng họ ủng hộ một đợt "nghỉ xả hơi" sau khi cựu Chủ tịch Mario Draghi đẩy nhanh gói kích thích gây tranh cãi hồi tháng 9 để hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro đang giảm tốc.
Các nhà hoạch định chính sách ngày càng chỉ ra nhiều tác dụng phụ có hại của lãi suất tiền gửi âm, chẳng hạn như lợi nhuận của hệ thống ngân hàng bị o ép và rủi ro đến sự ổn định tài chính.
Tại buổi nhậm chức Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde - người kế nhiệm của ông Draghi, đã hứa hẹn sẽ đánh giá lại các gói kích thích kinh tế trên như một phần trong cuộc đánh giá chính sách tiền tệ chiến lược đầu tiên của NHTW này kể từ năm 2003.
Các nhà kinh tế và thị trường dự đoán lãi suất của ECB sẽ giữ nguyên và biện pháp nới lỏng định lượng sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt năm 2020.
Tuy nhiên, ECB có thể bị thử thách lần nữa nếu nền kinh tế châu Âu tiếp tục đi xuống trước những bất ổn thương mại và sự suy yếu của ngành sản xuất lẫn lĩnh vực dịch vụ.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ)
- Lãi suất hiện tại: -0,1%
- Dự đoán cho đến cuối năm 2020: -0,1%
Triển vọng của BoJ vào năm 2020 có vẻ tươi sáng hơn một chút sau khi chính phủ Nhật Bản công bố gói ngân sách để hỗ trợ tăng trưởng và một số dấu hiệu phục hồi trong nền kinh tế toàn cầu hiện ra.
Bloomberg nhận định điều đó có thể giúp BoJ giữ nguyên lãi suất ở thời điểm hiện tại. Khi mà lãi suất chuẩn đã ở khu vực âm và tài sản trên bảng cân đối kế toán có giá trị lớn hơn cả nền kinh tế Nhật Bản, BoJ khó có thể khó có thể có bước điều chỉnh mới mặc dù NHTW này cho biết họ đang nghiêng về hướng nới lỏng chính sách.
Tuy nhiên, Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ thận trọng theo dõi các diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung và tác động kinh tế của việc tăng thuế bán hàng vào mùa thu.
Một số nhà kinh tế bắt đầu nghi ngờ liệu tác động của đợt tăng thuế có nhỏ hơn so với những lần trước như kì vọng của các nhà hoạch định chính sách hay không. Dù vậy, chỉ khi đồng yên Nhật bị tổn hại mới có thể khiến BoJ động đậy.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE)
- Lãi suất ngân hàng hiện tại: 0,75%
- Dự đoán cho đến cuối năm 2020: 0,75%
BoE sẽ có một thống đốc mới vào năm 2020, chấm dứt cuộc tìm kiếm người kế nhiệm ông Mark Carney.
Chiến thắng mang tính quyết định của ông Boris Johnson trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12 đã dọn đường cho chính phủ của ông đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1 và đồng thời gọi tên ông Andre Bailey làm người kế nhiệm Thống đốc BoE Mark Carney.
Dự kiến nhậm chức vào ngày 16/3 năm tới, ông Bailey sẽ phải đối phó với sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu và tình trạng đầu tư yếu kém. Đáng lo ngại nhất, thời hạn Brexit đang đến gần và Anh cần phải đạt được một thỏa thuận thương mại với EU vào cuối năm tới, trừ khi ông Johnson yêu cầu gia hạn thêm thời gian.
Hiện tại, mối lo ngại xoay quanh triển vọng kinh tế u ám đã khiến hai trong số 9 nhà hoạch định chính sách của BoE muốn hạ lãi suất. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc liệu chiến thắng của ông Johnson cũng như diễn biến Brexit có thể thay đổi bức tranh chung của nước Anh hay không.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC)
- Lãi suất cho vay thời hạn một năm hiện tại: 4,35%
- Lãi suất OMO kì hạn 7 ngày hiện tại: 2,5%
- Dự đoán cho đến cuối năm 2020: lần lượt 4,35%, 2,35%
Các nhà phân tích từng dự đoán PBoC sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ với qui mô lớn vào năm 2019 đang thất vọng. Thống đốc Dịch Cương cũng cho biết ông dự định đi theo con đường nới lỏng chính sách khiêm tốn, nhắm mục tiêu kích thích kinh tế vào năm 2020.
Như vậy, nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục suy yếu, các nhà kinh tế dự đoán PBoC sẽ tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc.
Hướng nới lỏng chính sách thận trọng của PBoC xuất phát từ cuộc chiến chống lại tình trạng đình lạm (stagflation - lạm phát đi cùng suy thoái) của chính phủ Trung Quốc, khi mà giá tiêu dùng đã vượt mức mục tiêu 3% của PBoC và giá hàng hóa xuất xưởng lại giảm mạnh.
Các nhà kinh tế hiện tại dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 6% trong năm tới. Số liệu GDP sửa đổi cho năm 2018 cho thấy mục tiêu tăng gấp đôi qui mô kinh tế của Trung Quốc trong thập kỉ này đang dễ dàng trong tầm tay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/