|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

PBoC trong cơn vật lộn: Khó cân bằng khối nợ 35 nghìn tỉ USD và bài toán tăng trưởng kinh tế

06:30 | 21/11/2019
Chia sẻ
Nếu Thống đốc PBoC Dịch Cương có thể tháo gỡ hết vướng mắc trong việc duy trì tăng trưởng ổn định và tránh khủng hoảng nợ, Trung Quốc có thể tiếp tục hành trình trở thành một xã hội "thịnh vượng" mà Bắc Kinh mong muốn. Tuy nhiên, canh bạc của PBoC lại chưa thành công.
1

Phía trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). (Ảnh: Bloomberg)

Khối nợ 35 nghìn tỉ USD có nguy cơ phình to

Sâu trong tổ hợp chính phủ ở Bắc Kinh, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đang trong phiên họp và tranh luận sôi nổi về một đề xuất tương đối phức tạp nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nội địa hiện đang trải qua khó khăn.

Cuộc họp nội các này diễn ra vào cuối tháng 5 tại khu phức hợp Trung Nam Hải, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump áp thêm thuế quan trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc và hạn chế doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cũng như phần mềm cho gã khổng lồ công nghệ Huawei Technologies.

Tuy nhiên, vào ngày này, các quan chức không chỉ tranh luận về sự đổ vỡ của cuộc đàm phán thương mại mà còn tìm hướng xử lí khối nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ chính phủ trị giá khoảng 35 nghìn tỉ USD.

Một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), hiện thân của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đã gợi ý rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nên phát hành một loại tiền mặt mà các ngân hàng có thể sử dụng để mua cổ phần trong doanh nghiệp, sau đó dùng số vốn này để thanh toán nợ.

Bài toán kiểm soát nợ và tăng trưởng kinh tế

Thống đốc PBoC Dịch Cương đã có mặt tại cuộc họp, nhưng trước khi ông có thể phát biểu, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bác bỏ đề xuất này với lí do dù có tăng thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng cũng không phải là đáp án của vấn đề.

Đối với ông Dịch Cương, đây là một chiến thắng nhỏ. Trong 20 tháng trên cương vị người đứng đầu ngân hàng trung ương (NHTW) Trung Quốc, Thống đốc Dịch Cương, một cựu sinh viên Đại học Illinois, đã kiên quyết phản đối tung ra gói kích thích mạnh tay.

Thay vào đó, ông chỉ cho phép giải phóng đủ thanh khoản để giúp nền kinh tế giảm nhiệt dần từ mức tăng trưởng "nóng" hai con số vào giữa những năm 2000 xuống mức tăng trưởng dưới 6% vào những năm 2020.

2

Thống đốc Dịch Cương (Ảnh: Bloomberg)

Ngay cả khi dữ liệu chỉ ra nguy cơ tăng trưởng tụt mạnh hơn, PBoC vẫn duy trì hướng đi chính sách hiện tại.

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất chuẩn 75 điểm cơ bản kể từ tháng 7, PBoC vẫn duy trì phương pháp kích thích kinh tế từ từ, một phần bị hạn chế bởi lo ngại rằng bong bóng nợ phình to hoặc lạm phát vốn đang ở mức cao sẽ tăng vượt ngưỡng.

Hướng đi chính sách trên đã một lần nữa được xác nhận trong tháng 11. Hôm 18/11, PBoC đã hạ lãi suất hợp đồng repo kì hạn 7 ngày từ 2,55% xuống 2,5%. Động thái hạ lãi suất khiêm tốn này cũng tương tự đợt điều chỉnh lãi suất tham chiếu (LPR) kì hạn một năm trước đó.

Cụ thể, PBoC đã hạ lãi suất LPR từ mức 4,2% trong tháng 10 xuống 4,15% vào tháng 11, tức giảm 5 điểm cơ bản.

Lãi suất LPR được ấn định hàng tháng dựa trên trung bình lãi suất OMO của 18 ngân hàng thương mại (NHTM) và lãi suất cho vay trung hạn (MLF) - công cụ cấp vốn của PBoC cho NHTM.

3

Nguồn: PBoC, CFETS

Đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn phải dựa vào Trung Quốc cho khoảng một phần ba tổng mức tăng trưởng những năm gần đây, bước đi của ông Dịch Cương cho thấy Bắc Kinh sẽ không cung cấp sự hỗ trợ lớn nào đối với nhu cầu hàng hóa của thế giới như trước đây.

Nếu Thống đốc PBoC có thể tháo gỡ hết vướng mắc trong việc duy trì tăng trưởng ổn định và tránh khủng hoảng nợ, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành trình trở thành một xã hội "thịnh vượng vừa phải" mà Bắc Kinh mong muốn. Tuy nhiên, canh bạc của PBoC đã thất bại.

Ông Dịch Cương đang noi theo thành tựu của người tiền nhiệm Chu Tiểu Xuyên, người trong những năm cuối nhiệm kì cho rằng kiểm soát nợ quan trọng hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngất trời. Tầm nhìn đó dường như đã được Thống đốc PBoC tiếp thu.

Ông George We, nhà kinh tế trưởng tại công ty Changjiang Securities (Bắc Kinh) và có 12 năm làm việc tại bộ phận chính sách tiền tệ của PBoC, nhận định: "Cân bằng giữa mức nợ và tăng trưởng là một nhiệm vụ mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần phải giải quyết trong thời gian dài, trong vòng 10 năm trở lại, trừ khi có một cải cách cơ cấu để loại bỏ phần nào vấn đề".

"Nếu không, khối nợ sẽ chỉ đáo hạn nhưng không thanh toán được, giống như một con đà điểu vùi đầu vào cát", ông Wu nói.

viber_image_2019-11-21_10-54-25

Từ văn phòng của mình tại trụ sở PBoC, Thống đốc Dịch Cương đang cố gắng thực hiện nhiệm vụ đã kéo dài một thập kỉ rưỡi của ông Chu Tiểu Xuân để hiện đại hóa NHTW Trung Quốc từ gốc rễ, để thế giới phải xem PBoC là một trong các cơ quan tiền tệ đáng theo dõi nhất.

Khó khăn nào cản bước hành động của PBoC?

Doanh nghiệp nước ngoài ngày càng đầu tư nhiều hơn vào tương lai nền kinh tế Trung Quốc, và xu hướng này chỉ có thể tăng lên khi mà các rào cản tài chính của Bắc Kinh dần được gỡ bỏ.

Vào tháng 9, các giám đốc từ JPMorgan Chase và Goldman Sachs là hai trong số các ngân hàng nước ngoài đã gặp mặt riêng Thống đốc Dịch Cương và các cơ quan quản lí khác tại Ritz-Carlton Hotel (cách trụ sở PBoC 1 km).

Screenshot (284)

Nguồn: PBoC

Cuộc gặp mặt trên là bằng chứng cho thấy thương chiến Mỹ - Trung không tác động nhiều đến cuộc đua giành phần trong tổng lợi nhuận thường niên ước tính khoảng 9 tỉ USD của lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc.

Các nhà đầu tư quốc tế đã trực tiếp trải qua các biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc thông qua các chỉ số như MSCI và theo Citigroup, họ còn có thể sử hữu đến 20% trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào năm 2023.

Khi giá trị những tài sản này biến động theo động thái chính sách của PBoC, các nhà đầu tư toàn cầu sẽ mong muốn sự minh bạch hơn nữa từ Thống đốc Dịch Cương và ông sẽ phải làm như vậy nếu vẫn muốn dòng vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc.

Việc Thống đốc Dịch Cương không có được sự độc lập trong hoạch định chính sách như các NHTW lớn khác trên thế giới đã kìm hãm khả năng lí giải và thay đổi đường lối chính sách của ông.

Trong khi các nghiệp vụ thường ngày như quản lí thanh khoản trên thị trường tiền tệ được cho là theo quyết định của PBoC, thì Hội đồng Nhà nước lại là cơ quan cuối cùng có thể thiết lập lãi suất chuẩn.

Thiếu minh bạch là một đặc trưng trong quá trình hoạch định chính sách ở Trung Quốc. Khác Fed hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có tính độc lập khỏi các sự kiện chính trị, PBoC phải nỗ lực xây dựng sự đồng thuận với nhiều bộ khác nhau cho đề xuất chính sách của họ và sau cùng là giành được phê chuẩn từ hệ thống lãnh đạo cao nhất.

"Để Trung Quốc có thể đưa thị trường tài chính nội địa vươn ra tầm thế giới, PBoC phải đi đầu trong việc áp dụng tư tưởng quốc tế và chủ động hơn trong giao tiếp với 'khách hàng'", theo nhận định của ông Stephen Jen, nhà sáng lập kiêm đồng CIO của công ty Eurizon Slj Capital.

"Đôi khi thời điểm và bản chất động thái của PBoC gây bối rối cho thị trường vì không có thông báo hoặc phát biểu lí giải nào đi kèm", ông Jen nhấn mạnh.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.