Tương tự Fed, PBoC cũng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong hướng đi chính sách
Ảnh: Reuters
Tăng trưởng chững lại, PBoC hạ lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên kể từ năm 2016
Theo đưa tin từ Reuters, khi tăng trưởng chững lại nhanh hơn dự kiến và về gần mức thấp trong 30 năm, một số nhà kinh tế lo ngại rằng các nhà nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể bị tụt lại phía sau do hạ lãi suất quá thận trọng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác nhận định việc nới lỏng chính sách hôm 5/11, mặc dù khá khiêm tốn, có thể là một dấu hiệu cho thấy PBoC trở nên chủ động hơn.
Cụ thể, PBoC đã hạ lãi suất thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) kì hạn một năm xuống 5 điểm cơ bản, đưa lãi suất từ mức 3,3% trước đó về 3,25%.
Động thái này có thể mở đường cho việc nới lỏng lãi suất tham chiếu (LPR) trong vài tuần tới. Lãi suất tham chiếu mới này có liên quan đến lãi suất MLF và được công bố vào ngày 20 hàng tháng.
Ông Hao Zhou, nhà kinh tế chuyên về thị trường mới nổi tại Commerzbank (Singapore), nhận định mặc dù mức hạ lãi suất "thực sự rất nhỏ", nó lại gửi đi thông điệp rằng PBoC không muốn thị trường nghi ngờ về ý định củng cố tăng trưởng của họ.
"Họ cố gắng xoay xở trong một không gian chính sách hạn chế. Động thái của PBoC hàm ý rằng họ có thể hạ lãi suất mạnh tay hơn. Ở cấp độ vi mô, các nhà hoạch định chính sách vẫn nhắm mục tiêu củng cố tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Cũng theo ông Zhou, mức tăng gần đây của đồng nhân dân tệ đã củng cố sức mạnh của ngân hàng trung ương (NHTW) Trung Quốc và giúp họ tự tin hành động hơn.
Đồng nhân dân tệ đã tăng lên mức đỉnh 2,5 tháng so với đồng USD trong tuần này, nhờ vào các dấu hiệu cho thấy Washington và Bắc Kinh đang tiến gần hơn đến thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
PBoC tuyên bố họ đã cho các tổ chức tài chính vay 400 tỉ nhân dân tệ (56,92 tỉ USD) thông qua công cụ thanh khoản, ít hơn một chút so với khoản cho vay 403,5 tỉ nhân dân tệ theo công cụ cho vay trung hạn (dự kiến đáo hạn vào hôm 5/11).
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics, lưu ý rằng động thái hạ lãi suất trên là lần đầu tiên PBoC cắt giảm lãi suất cho vay trong 3 năm qua.
"Nó sẽ giảm chi phí huy động vốn cho các ngân hàng thương mại và do đó, hệ thống ngân hàng sẽ sẵn sàng giảm lãi suất cho vay", ông nhận định.
Tuy nhiên, ông nhận thấy mức giảm 5 điểm cơ bản không đủ để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, khi mà nó đã bắt đầu chững lại thời gian gần đây. "Chúng tôi dự đoán PBoC sẽ giảm lãi suất MLF 70 điểm cơ bản vào giữa năm tới", ông viết trong một ghi chú gửi khách hàng.
Thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách tiền tệ
Thay vì cắt giảm lãi suất mạnh tay như trong quá khứ khiến khối nợ tăng nhanh, cho đến nay Trung Quốc chủ yếu chọn cách tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế để hỗ trợ hoạt động kinh tế, trong khi chấp nhận sẽ mất một thời gian trước khi các gói kích thích như vậy lan tỏa trên toàn hệ thống.
PBoC cũng đã cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc 7 lần kể từ đầu năm 2018 để hệ thống ngân hàng thương mại giải phóng thêm vốn vay. Theo Reuters, nhiều khả năng PBoC sẽ giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc thêm một lần nữa vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, lo ngại của nhà đầu tư về hướng đi chính sách của PBoC đã gia tăng trong vài tuần gần đây.
Họ bán tháo trái phiếu vì lo lắng rằng NHTW Trung Quốc sẽ bị kìm hãm bởi lạm phát tiêu dùng tăng nhanh. Vào tháng 10, chỉ số CPI đã nhảy vọt lên gần mức đỉnh 6 năm do giá thịt heo tăng.
Đồng thời, một loạt dữ liệu kinh tế kém khả quan và áp lực thương mại Mỹ - Trung kéo dài cho thấy Bắc Kinh cần sớm bơm thêm kích thích tài chính hơn.
Tăng trưởng kinh tế quí III đã chững về mức 6% (tức kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn dự đoán). Con số này nằm ở đáy của phạm vi mục tiêu của chính phủ là 6 - 6,5% cho cả năm 2019.
Ngân hàng Nomura tin rằng tăng trưởng GDP sẽ còn giảm xuống 5,8% trong quí IV và chậm hơn nữa vào năm tới. Tuy nhiên, PBoC đã khiến thị trường ngạc nhiên khi không công bố định mức cho vay trung hạn mục tiêu vào tháng 10.
Bên cạnh đó, NHTW Trung Quốc cũng bất ngờ giữ nguyên lãi suất tham chiếu trong tháng 10, lần đầu tiên kể từ khi nó được công bố, trong khi vào tháng 8 và tháng 9 đều cắt giảm lãi suất này.
Một số nhà phân tích nhận định Bắc Kinh có thể đang "bảo quản" công cụ chính sách trong khi chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán mới nhất với Washington.
Tuy nhiên, một thỏa thuận thương mại sơ bộ chỉ có thể làm giảm một số áp lực đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù nó có thể củng cố niềm tin của doanh nghiệp.
Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm tới, duy trì áp lực lên hoạt động xuất khẩu. Và các cuộc khảo sát cho thấy sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực sản xuất đang lan sang ngành dịch vụ, vốn chiếm một nửa tỉ trọng trong cơ cấu GDP của Trung Quốc.