|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Financial Times: Washington xem xét giảm một số thuế quan cho Trung Quốc, có thể gây bất lợi cho ông Trump

13:20 | 05/11/2019
Chia sẻ
Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đang tranh luận về việc có nên gỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc như một động thái nhượng bộ để chốt thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu, dự kiến kí kết vào tháng này.
1

Ảnh: Nikkei Asian Review

Washington bàn việc nhượng bộ để nhanh chốt thỏa thuận thương mại

Financial Times dẫn lời 5 nguồn tin thân cận với cuộc thảo luận cho biết Nhà Trắng đang xem xét bãi bỏ thuế quan đối với 112 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm quần áo, thiết bị và màn hình phẳng. Đây là nhóm sản phẩm bị Washington đánh thuế 15% vào ngày 1/9.

Động thái trên sẽ đáp ứng yêu cầu quan trọng của phía Bắc Kinh, khi mà phái đoàn đàm phán từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực làm việc để soạn thảo điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, dự kiến do Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đặt bút kí trong vài tuần tới.

Tuy nhiên, thông qua động thái nhượng bộ này, Washington có thể cũng đang mong được đáp lại, bao gồm các điều khoản về tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc tăng khối lượng nông sản thu mua từ nông dân Mỹ và một buổi lễ kí kết thỏa thuận trên đất Mỹ.

Sau một chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc đến Washington vào đầu tháng 10, chính quyền Tổng thống Trump đã tạm ngừng kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc (trước đó dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/10).

Quan chức Mỹ cũng đề xuất rằng Bắc Kinh có thể tránh đợt thuế quan đối với 156 tỉ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc (dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12) nếu họ đạt được một thỏa thuận với Washington.

Các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ tiến thêm một bước nữa và lần đầu tiên rút lại một số thuế quan hiện có đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra vào đầu năm 2018, khi mà thỏa thuận sơ bộ đang đến rất gần. Tuy nhiên, đây một bước đi mà quan chức của chính quyền ông Trump không đồng ý.

Thỏa thuận giai đoạn một có lợi cho kinh tế thế giới, nhưng gây hại cho tiếng tăm của ông Trump

Một nguồn tin thân cận cho biết mặc dù Nhà Trắng ngày càng nhất trí rằng họ phải nhượng bộ về các mức thuế quan hiện tại, không rõ liệu bản thân Tổng thống Trump có đồng ý hay không.

Thỏa thuận sơ bộ dự kiến được kí kết tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile vào giữa tháng này, tuy nhiên nước chủ nhà đã tuyên bố hủy tổ chức sự kiện vì bạo động xã hội leo thang.

Quan chức hai bên đang tìm kiếm một địa điểm thay thế, với Brazil và Mỹ là hai phương án có khả thi nhất.

Tại Mỹ, bên cạnh Iowa, một tiểu bang nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống của ông Trump và cũng là nơi chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, Hawaii và Alaska là hai lựa chọn khác.

Nếu việc gỡ bỏ thuế quan hiện tại là một phần của thỏa thuận sơ bộ, thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn vào thời điểm các quan chức trên toàn thế giới đang lo ngại về sự chững lại của kinh tế toàn cầu.

Ông Myron Brilliant, người phụ trách các vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ (một tổ chức vận động hành lang), cho biết cả Mỹ và Trung Quốc đều có lí do nhượng bộ để chốt thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

"Mỗi bên đều nhận thấy rằng việc đạt được thỏa thuận ở thời điểm này rất quan trọng và để đến được đó, họ cần phải nhượng bộ. Nhà Trắng sẽ phải dỡ bỏ một số thuế quan, trong khi Trung Quốc buộc phải chấp nhận các điều khoản về bảo hộ tài sản trí tuệ mạnh mẽ hơn", ông Brilliant nói.

Các "diều hâu" ở Washington có thể phản đối, theo đó lập luận rằng Mỹ sẽ mất đòn bẩy đàm phán nếu gỡ bỏ thuế quan và Tổng thống Trump có nguy cơ bị cáo buộc nhượng bộ Bắc Kinh quá dễ dàng khi mà không còn bao lâu nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử 2020.

Ông Derek Scissiors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: "Ngay bây giờ, ông Trump có thể chỉ vào mức giảm trong thâm hụt thương mại với Trung Quốc để làm minh chứng cho những cam kết mà ông đưa ra khi tranh cử năm 2016. Gỡ bỏ thuế quan và chứng kiến thâm hụt thương mại tăng trở lại sẽ tạo cơ hội để Đảng Dân chủ cáo buộc ông nói dối cử tri".

Nhà Trắng, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ đều từ chối đưa ra bình luận.

Yên Khê