|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dịch tả heo kéo lạm phát tăng, hạn chế cơ hội nới lỏng chính sách tiền tệ của PBoC

14:51 | 30/10/2019
Chia sẻ
Cơ hội để PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc hiện đang bị hạn chế bởi lạm phát tăng cao, với nguyên nhân xuất phát từ dịch tả heo châu Phi.
1

Dịch tả heo châu Phi kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có việc hạn chế khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ của PBoC. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Nhóm nhà phân tích từ Nomura International và công ty chứng khoán Changjiang Securities cảnh báo lạm phát tiêu dùng tăng mạnh đã trở thành một rào cản lớn đối với PBoC và khả năng ngân hàng trung ương (NHTW) Trung Quốc nới lỏng chính sách trong vài tháng tới đã giảm.

Theo Bloomberg, mặc dù ngày càng có nhiều dữ liệu chứng minh tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống dưới 6% vào năm tới, PBoC cũng ít có cơ hội giảm lãi suất.

"Khi giá thịt heo tăng, hiệu ứng lan tỏa liên tục đến giá nhiều mặt hàng thực phẩm khác và nguy cơ xảy ra vòng xoáy tiền lương - giá, chúng tôi tin PBoC có thể không sẵn lòng nới lỏng chính sách trong vài quí tới", ông Lu Ting, Kinh tế trưởng về mảng Trung Quốc tại Nomura (Hong Kong), cho biết.

Vòng xoáy tiền công - giá (wage-price spiral) là tình trạng mà trong đó mức lương tăng, khiến giá hàng hóa tăng theo do chi phí sản xuất đi lên và sau đó lại gây ảnh hưởng đến tiền lương bởi vì công nhân muốn duy trì sức mua của đồng tiền.

Ông Lu không kì vọng rằng PBoC sẽ cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn hoặc điều chỉnh tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại trong những tháng còn lại của năm 2019. Điều này trái ngược với dự báo trước đó của ông rằng NHTW sẽ cắt giảm trong quí IV.

Lạm phát tiêu dùng có thể tiếp tục tăng do sản lượng thịt heo liên tục giảm nhưng nhu cầu dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh trong Tết Nguyên đán năm 2020.

Điều này khiến Bắc Kinh và PBoC khó kích thích kinh tế để hỗ trợ hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước hơn, mặc dù doanh nghiệp địa phương đang phải đối mặt mức thuế  trừng phạt cao từ phía Mỹ khiến lợi nhuận và giá sản phẩm sụt giảm.

Chính phủ Trung Quốc sẽ nhóm họp trong tuần này và Bắc Kinh sẽ cân nhắc một loạt chính sách kinh tế có sẵn để giải quyết danh sách dài các thách thức lớn khác, bên cạnh vấn đề lạm phát tiêu dùng. Chẳng hạn như chiến tranh thương mại với Mỹ, giảm phát giá xuất xưởng (factory-price deflation) và hệ thống tài chính yếu kém.

Mức nợ cao và thị trường bất động sản phình to đã khiến các nhà hoạch định chính sách e ngại không muốn giảm lãi suất chuẩn, mặc dù trên lí thuyết, họ có thể hành động nếu nền kinh tế giảm tốc.

Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, lạm phát cốt lõi của Trung Quốc đang có xu hướng giảm trong năm nay, cho thấy nhu cầu trong nước tăng cao.

Tuy nhiên, lạm phát chung lại là chỉ số kinh tế được theo dõi sát sao nhất vì có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, theo ông George Wu, Kinh tế trưởng tại Changjiang Securities và từng là cựu quan chức trong bộ phận chính sách tiền tệ của PBoC.

"Trong tương lai, chính sách kinh tế vĩ mô sẽ nghiêng về hướng ủng hộ tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ không phải là biện pháp giúp chống lại chu kì suy thoái duy nhất.

Nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc có thể sử dụng kết hợp chính sách ngoại hối và tài khóa. Trong lịch sử Trung Quốc, giá hàng hóa tăng sốc và kích thích tiền tệ từng là nguyên nhân gây ra vòng xoáy tiền lương - giá", ông Wu viết trong một ghi chú hôm 28/10.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.