Dịch ASF tại Trung Quốc khiến giá thịt heo toàn cầu leo thang
Dịch tả heo châu Phi (ASF) đã quét sạch hàng trăm triệu con heo, chủ yếu là ở Trung Quốc, khiến giá thịt heo và thịt xông khói trên toàn cầu tăng vọt. Ở châu Âu vào năm ngoái, dịch ASF đã kéo giá thịt heo mảng lên 31% và heo con lên 56%.
Theo một chỉ số của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giá thịt heo sắp ghi nhận một bước nhảy vọt "khủng" nhất kể từ khi dịch bò điên và dịch cúm gia cầm bùng phát năm 2004, khiến người tiêu dùng chuyển sang ăn thịt heo.
Giá thịt heo toàn cầu sắp ghi nhận mức tăng thường niên lớn nhất kể từ năm 2005. Vào năm 2004, giá thịt heo tăng vọt 34%, trong khi tính đến thời điểm này của năm 2019, giá thịt đã tăng khoảng 21%. (Ảnh: Bloomberg/USDA)
"Không quan trọng bạn là ai, ở đâu vào lúc này, giá thịt heo sẽ tiếp tục tăng", ông Justin Sherrard, chiến lược gia về protein động vật của Rabobank, cho hay.
"Trung Quốc là thị trường chúng ta nên lưu tâm. Trước hết, thị trường Trung Quốc rất lớn và thứ hai, nó cũng chính là thị trường đầu tiên dịch ASF tấn công", ông nhấn mạnh.
Giá bán buôn thịt heo đã tăng 16% lên 42,46 nhân dân tệ/kg (tương đương 2,72 USD/pound) trong tuần giao dịch kết thúc vào ngày 11/10, mức tăng mạnh nhất trong ít nhất 13 năm qua.
Ngoài ra, giá thịt heo còn tăng hơn gấp đôi kể từ khi Trung Quốc báo cáo trường hợp nhiễm dịch ASF đầu tiên vào tháng 8/2018.
Giá thịt heo vẫn sẽ tăng cao ít nhất là trong ba tháng tới, trước thời điểm Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 25/1, vì đây là đợt cao điểm trong hoạt động tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước ăn mừng dịp lễ này.
Cũng theo ông Sherrard, các nhà bán lẻ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ chuyển một vài chi phí phụ cho người tiêu dùng để giảm bớt áp lực tăng giá.
Người dân Bắc Kinh phải chi 10,79 USD để mua về 500g thịt xông khói, một mức giá tương đối cao. (Ảnh: Bloomberg)
Cuối năm 2020, đàn heo của Trung Quốc dự kiến giảm còn 275 triệu con, tức giảm gần 40% kể từ năm 2018, trước khi dịch ASF bùng phát, theo bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Theo đó khiến sản lượng thịt heo toàn cầu giảm 10% vào năm 2020.
Lượng heo của Trung Quốc và thế giới năm 2019 và 2020 được dự đoán đồng loạt sụt giảm. (Ảnh: Bloomberg/USDA)
"Dịch ASF đã tác động đáng kể đến sản lượng thịt heo ở Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng lớn tới Việt Nam cùng một số nước Đông Nam Á khác", ông Tim Foulds, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Euromonitor International, cho biết.
"Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát dịch, trong đó có biện pháp tiêu hủy heo qui mô lớn, khiến sản lượng thịt heo giảm nhanh chóng trong năm 2019", ông nói.
Nguồn cung trong nước giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu thu mua thịt heo nước ngoài của Trung Quốc, từ đó dẫn đến giá thịt heo lẫn khối lượng nhập khẩu tăng kỉ lục.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ nhận thấy tác động của việc thiếu nguồn cung, với tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người trong hai năm qua giảm 32%, theo báo cáo USDA công bố ngày 10/10.
Với một thị trường thịt heo trị giá "khủng" đến 118 tỉ USD, Trung Quốc chiếm ưu thế lớn trên thị trường toàn cầu và bất kì biến động nào ở thị trường tỉ dân cũng khiến diễn biến giá thịt heo tăng, giảm thất thường. (Ảnh: Bloomberg/Euromonitor International)