|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu không thoát khỏi cảnh giá thịt heo tăng chóng mặt vì dịch ASF

15:17 | 19/10/2019
Chia sẻ
Trong năm nay, sản phẩm thịt heo ở thị trường châu Âu có thể trở nên đắt đỏ hơn khi giá thịt khu vực này tăng lên mức cao nhất trong 6 năm.
1

Ảnh: Financial Times/AHDB

Dịch tả heo châu Phi lan đến châu Âu và những hệ lụy

Giá thịt heo ở châu Âu đã tăng 35% kể từ đầu năm lên 1,82 euro/kg, một bước nhảy vọt đáng quan ngại cho người tiêu dùng ở Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan, ba nước ưa thích thịt heo hàng đầu châu Âu.

Financial Times dẫn kết quả nghiên cứu của một số nhà phân tích cho hay, lượng tiêu thụ thịt heo đã qua chế biến, gồm thịt xông khói và dăm bông, hiện chiếm hơn 50% tổng lượng thịt tiêu thụ trong khu vực.

Là một nhà sản xuất thịt heo, Ba Lan và Romania cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (ASF). Trước đó, sự bùng phát của dịch ASF chủ yếu giới hạn ở loài heo rừng nhưng cho đến nay, dịch đã lan sang heo nuôi.

2

Ảnh: Financial Times/Ủy ban châu Âu

"Các nhà sản xuất hiểu rằng nếu dịch ASF lan đến nhà xuất khẩu lớn như Đức, vấn đề có thể tồi tệ hơn đối với toàn thị trường châu Âu", bà Bethan Wilkins, nhà phân tích cao cấp của Ủy ban Phát triển Nông nghiệp và Trồng trọt Anh (AHDB), nhận định.

Trước khi giá thịt heo bán sỉ tiếp cận người tiêu dùng, nhà sản xuất thường mất một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh giá, đặc biệt là ở các quốc gia ghi nhận nhà bán lẻ có tác động lớn đến thị trường.

Chẳng hạn như ở Anh, chỉ số giá bán lẻ của mặt hàng xúc xích đã tăng 1,6% kể từ đầu năm nay.

Một số nhà phân tích cho biết các doanh nghiệp chế biến thịt heo chủ yếu "hấp thụ" việc giá thịt tăng cao bằng cách chấp nhận biên lợi nhuận thấp, tuy nhiên nếu giá tiếp tục gây sốc, nhà bán lẻ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm sườn heo và thịt xông khói, đồng thời sang tay chi phí này cho khách hàng.

Giá bán lẻ thịt heo tăng có thể gây ảnh hưởng đến nhu cầu, đặc biệt là tại các thị trường hàng đầu ở lục địa già.

Theo dữ liệu của AHDB, người dân Tây Ban Nha tiêu thụ nhiều thịt heo nhất châu Âu, trung bình 55 kg/người/năm, sau Tây Ban Nha là Ba Lan (54 kg/người/năm) và Đức (52 kg/người/năm).

Trong vài năm gần đây, giá thịt heo châu Âu liên tục biến động do ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi và nhu cầu xuất khẩu.

Giá thịt heo từng đạt một mức cao khác vào năm 2013 vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao sau nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng ở các nước xuất khẩu hạt dầu và ngũ cốc lớn.

3

Ảnh: Financial Times/Ủy ban châu Âu

Châu Âu lo sợ Mỹ - Trung kí kết thỏa thuận, Bắc Kinh sẽ tăng nhập khẩu thịt heo Mỹ

Xuất khẩu thịt heo châu Âu sang Trung Quốc thường đạt đỉnh vào cuối năm, trước kì nghỉ lễ đầu năm mới, theo Financial Times.

Tuy nhiên, có khả năng nhu cầu năm nay sẽ tăng mạnh hơn nữa do Trung Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng thịt heo nghiêm trọng, ông Justin Sherrard, chiến lược gia tại Rabobank, nhận định. "Cuối năm nay sẽ là bài kiểm tra lớn nhất cho giá thịt heo châu Âu".

Cho đến nay, Romania là nước xảy ra nhiều đợt bùng phát dịch ASF nhất. 

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thịt heo Romania (RAPP), đã có hơn 1.160 đợt bùng phát dịch ở 360 ngôi làng và việc nuôi nhốt quanh khu dân cư khiến hơn 110.000 con heo chết, trong khi 19 trang trại thương phẩm cũng đã nhiễm bệnh, dẫn đến hơn 380.000 con heo chết.

4

Ảnh: Financial Times/AHDB

Ông Ioan Ladosi, Chủ tịch RAPP, cho biết rủi ro lây lan bệnh dịch đang tăng lên do dòng người lao động di chuyển giữa Romania và các nước châu Âu khác. 

Ông Ladosi còn chia sẻ, chính phủ Romania chưa hề phản hồi lời kêu gọi ngăn chặn dịch của các nhà sản xuất thịt heo nội địa.

Ông chỉ trích chính phủ lo tập trung vào cuộc bầu cử vào tháng 11 tới mà chần chừ ban hành lệnh tiêu hủy heo nhiễm bệnh, tuy nhiên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền đã bác bỏ cáo buộc trên.

Cùng lúc đó, tỉ lệ lây nhiễm cũng đang tăng cao ở nước láng giềng Hungary, với hơn 1.100 đợt bùng phát trên đàn heo rừng được báo cáo trong năm nay.

Ở châu Á, Rabobank ước tính đàn heo của Trung Quốc có thể giảm một nửa, thậm chí là 55% vào cuối năm nay. 

Giá thịt heo ở thị trường tỉ dân đã đạt mức cao kỉ lục, trong khi virus tả heo châu Phi cũng đang lan rộng sang Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Hàn Quốc,...

Bà Wilins cho biết mặc dù nhu cầu thịt heo xuất khẩu tăng cao, một số nhà sản xuất châu Âu, đặc biệt là Đức và Hà Lan, có rất ít cơ hội để tăng năng lực sản xuất vì qui định môi trường và chăn nuôi bị siết chặt.

Trong khi đó, các nhà sản xuất khác lại lo ngại về nhu cầu thịt heo suy yếu ở thị trường của riêng họ.

Bất ổn xoay quanh kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng khiến các nhà sản xuất thịt heo châu Âu chần chừ đầu tư để mở rộng qui mô, vì nếu Trung Quốc tăng nhập khẩu thịt heo Mỹ, nhu cầu dành cho nhà cung ứng châu Âu sẽ giảm.

Yên Khê