|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch ASF lan sang Hàn Quốc: Người dân hoang mang nên ăn hay bỏ thịt heo

11:36 | 27/09/2019
Chia sẻ
Tính đến ngày 26/9, Hàn Quốc đã xác nhận trường hợp thứ 7 trên cả nước nhiễm dịch tả heo châu Phi tại một trang trại ở Ganghwa, gần biên giới với Triều Tiên.

Dịch tả heo châu Phi bùng phát kéo giá thịt heo tăng vọt, khiến người dân cùng lúc rơi vào trạng thái hoang mang vì giá thịt heo và dịch bệnh.

5853a034-e018-11e9-94c8-f27aa1da2f45_image_hires_153024

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy heo tại tỉnh Paju. (Ảnh: AFP)

Câu chuyện phòng, chống dịch tả heo châu Phi của chính phủ Hàn Quốc

Bà Kim Pil-soon hiện sở hữu một nhà hàng nổi tiếng ở quận Bangbae (Seoul) có tên Daechon, tuy nhiên bà không biết khi nào lô thịt heo tiếp theo được giao đến.

"Khi bán hết số thịt heo này, chúng tôi chẳng còn hàng để bán tiếp cho hôm nay", bà Kim chỉ vào 7 kg thịt ba chỉ heo mà chồng bà đang thái trên thớt.

Theo South China Morning Post, gần 22.000 con heo đã bị tiêu hủy ở Hàn Quốc kể từ khi chính phủ xác nhận dịch tả heo châu Phi bùng phát vào tuần trước tại thị trấn biên giới Paju và Yeoncheon. Dự kiến sẽ có khoảng 29.000 con heo bị tiêu hủy cho đến cuối tuần này.

Hôm 26/9, cơ quan chức năng đã xác nhận trường hợp thứ 7 trên cả nước nhiễm dịch tả heo châu Phi tại trang trại ở Ganghwa, gần biên giới với Triều Tiên. Hàng trăm nhân viên chính phủ đã được triển khai để kiểm tra quá trình khử trùng tại các địa phương.

Từ "lệnh cấm" 48 giờ ban đầu trên toàn quốc, các nhà chức trách Hàn Quốc cũng gia hạn thêm 48 giờ nữa nhằm ngăn dòng phương tiện và người dân di chuyển giữa các trang trại heo, lò mổ và nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Trên truyền hình, khán giả có thể nhìn thấy nhân viên chính phủ mặc áo blouse trắng đứng bảo vệ các rào chắn và máy xúc đào hố để chôn hàng nghìn con heo.

Mục đích là nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus dịch tả heo châu Phi, vốn có khả năng gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chăn nuôi heo với 6.300 trang trại và 11 triệu con heo. Tuy nhiên, các biện pháp trên cũng làm tăng nỗi lo về vấn đề tắc nghẽn nguồn cung.

"Tối nay, tất cả khách hàng đều đặt món thịt heo", bà Kim nói. "Họ không chắc ngày mai gia đình có thể ăn thịt heo nữa hay không. Nhà hàng chúng tôi mua thịt heo tại một chợ đấu giá ở Incheon, nơi giá thịt heo đã tăng hơn 40% trong tuần qua".

Dịch tả heo châu Phi không gây hại đến con người, nhưng bất kì sự lây lan nào từ trang trại đến khu vực đông dân cư đều sẽ khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn.

Bệnh dịch này rất dễ lây lan, gây tử vong cho đàn heo và hiện chưa có vacxin đặc trị. Đợt bùng phát lần này gợi nhắc lại vụ dịch lở mồm long móng năm 2010 - 2011, từng quét sạch 3,5 triệu con heo (tương đương một phần năm đàn heo của Hàn Quốc).

Giá thịt heo tại Hàn Quốc tăng chóng mặt

Hàn Quốc phụ thuộc vào thịt heo nhập khẩu, chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), để đáp ứng một phần ba nguồn cung trong nước.

Giá thịt heo đã nhảy vọt lên 3.300 USD/tấn vào tháng 9, tức là tăng 14,3% so với tháng 1. Nếu dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan, sự phụ thuộc vào nguồn thịt heo nhập khẩu sẽ ngày càng lớn.

Tuy nhiên, Daechon lại đặc biệt phổ biến vì cửa hàng này chuyên phục vụ thịt tươi được chế biến tại địa phương và chưa qua đông lạnh, khác với thịt nhập khẩu được đông lạnh sau đó rã đông trước khi ăn.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá thịt heo lên cao. Giá các loại thịt khác, chẳng hạn như thịt gà, cũng đã tăng lên đáng kể khi mà khách hàng tìm đến các lựa chọn thay thế để giải quyết nhu cầu.

"Chúng tôi rất xin lỗi vì giá thịt heo tăng đột ngột do dịch tả heo châu Phi bùng phát vào ngày 17/9", thông báo dán bên ngoài một cửa hàng thịt tại Seoul ghi.

Người dân Hàn Quốc nửa muốn ăn thịt heo bất chấp dịch bệnh, nửa không biết có nên vứt đi hay không

Ở Hàn Quốc, thịt ba chỉ nướng (hay samgyopsal) thường được rửa sạch với rượu soju để khử mùi.

Tại Daechon, bà Ju Jeong-hye, một bà nội trợ 55 tuổi, nhớ lại bữa thịt sườn heo nướng than ướp trong nước tương tối hôm 24/9.

"Sườn heo ướp nước tương là một trong những món ưa thích của tôi", cô nói. Tôi nghĩ tôi nên ăn nhiều thịt heo hơn trước khi giá tăng".

"Một số người ngần ngại ăn thịt heo vì dịch tả heo châu Phi. Tôi không có vấn đề gì với việc này vì càng ít người ăn thịt heo, giá thịt sẽ càng thấp".

"Tôi đã trữ số thịt mình mua trong tủ lạnh trước khi dịch tả heo châu Phi bùng phát", bà Lee Ji-hyun, 57 tuổi, cho hay. "Tôi đang phân vân không biết có nên vứt chúng đi hay không, mặc dù dịch tả heo châu Phi không gây hại cho con người".

Dịch bệnh này đã tàn phá đàn heo ở Trung Quốc và các nước châu Á khác trước khi tràn vào bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Kim Hyeon-soo cho biết con đường lây lan bệnh vẫn chưa được xác định, mặc dù nhiều người nghi ngờ virus đi từ Triều Tiên vào Hàn Quốc, khi một ổ dịch được báo cáo gần biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc vào tháng 5.

Yên Khê