Đàn heo của Trung Quốc có thể phục hồi vào năm 2020?
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết khung thời gian có vẻ rất tham vọng, với dịch ASF vẫn đang lan rộng ở nhiều nơi trên đất nước và rất nhiều con heo đã bị chết hoặc bị tiêu huỷ.
Dịch ASF kéo dài hơn một năm đã khiến đàn heo của Trung Quốc giảm hơn 40% và kéo giá loại thịt được ưa chuộng của quốc gia châu Á lên mức cao kỉ lục.
Giá thịt heo bán lẻ đã tăng 84% so với với năm ngoái lên 43,4 nhân dân tệ/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 2/10, theo dữ liệu chính thức.
Tại một cuộc họp ngắn hôm thứ Năm (17/10), ông Yang Zhenhai, Giám đốc Cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết hàng tồn kho tại các trang trại lớn đã bắt đầu tăng trở lại.
"Nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau và các yếu tố thị trường đã giúp thúc đẩy sự tự tin trong chăn nuôi (heo) một cách đáng kể và sự nhiệt tình trong sản xuất của những hộ nông dân nhỏ và lớn đang ngày càng cải thiện", ông Yang nói.
Theo ông Yang, sản xuất heo đã phục hồi nhanh chóng tại các trang trại giết mổ hơn 5.000 con heo mỗi năm. Tồn kho heo đạt 44,46 triệu con trong tháng 9, tăng 0,6% so với tháng trước đó, trong khi số heo nái tăng 3,7% lên 6,10 triệu con.
Các tỉnh sản xuất lớn gồm Hà Nam, Sơn Đông và Liêu Ninh cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về hàng tồn kho heo trong tháng 9 so với tháng trước.
Và sản lượng, cũng như doanh thu từ thức ăn cho heo đã tăng mạnh trở lại, với sản lượng thức ăn chăn nuôi cho heo tăng 10% trong tháng 9 so với tháng 8.
Khung thời gian eo hẹp
Mặc dù vậy, các nhà phân tích nhận định dự báo về sản lượng heo trở lại mức bình thường trong năm 2020 là rất lạc quan, với việc ngăn chặn sự lây lan của dịch ASF là chìa khóa để phục hồi và hiện tại, chưa có thuốc chữa bệnh hoặc vacxin phòng ngừa, theo Reuters.
Chuyên gia phân tích của một công ty tư vấn tại Trung Quốc cho hay sản xuất heo đang phục hồi ở phía bắc, nhưng vẫn đang giảm ở khu vực phía nam và tây nam.
"Nếu bệnh dịch ASF có thể ổn định và không tái phát, số lượng heo có thể bắt đầu hồi phục", chuyên gia này cho hay, nhưng ngay cả như vậy, sản lượng heo của Trung Quốc sẽ không đạt được mức bình thường cho đến ít nhất là nửa cuối năm 2020.
Tại miền nam tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, giá heo hơi ghi nhận ở mức kỉ lục 40 nhân dân tệ/kg vào tuần trước, với lợi nhuận của các nhà chăn nuôi heo đang ở mức 3.000 nhân dân tê/con heo, theo Reuters.
Và trong khi nông dân chăn nuôi qui mô lớn, gồm cả các công ty sản xuất heo như C.P. Pokphand và New Hope Liuhe, đã được mở rộng nhanh chóng nhằm hướng đến lợi nhuận lớn từ việc giá thịt heo tăng vọt, các hộ chăn nuôi qui mô nhỏ thường chiếm phần lớn sản lượng thịt heo.
Dữ liệu chính thức chỉ ra tồn heo của Trung Quốc đạt 428 triệu con vào cuối năm 2018.
Pan Chenjun, chuyên gia phân tích cao cấp tại Rabobank, cho biết sẽ cần khoảng 18 tháng để xây dựng, dự trữ và sản xuất heo tại các trang trại mới. Bà Pan cũng cho rằng mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc là không thực tế.
"Trong nửa đầu năm tới, tôi cho rằng đàn heo sẽ tiếp tục giảm", theo bà Pan.
Một số công ty đã tái đàn tại các trang trại bị nhiễm bệnh chỉ để thấy dịch bùng phát trở lại, trong khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ không có vốn hoặc ý chí để tăng đàn.