|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơn sốt giá heo Trung Quốc bao giờ mới kết thúc?

10:45 | 17/10/2019
Chia sẻ
Dịch tả heo châu Phi đã khiến lượng heo của Trung Quốc giảm mạnh và người tiêu dùng nước này cũng đang cảm nhận được việc thiếu hụt nguồn cung thịt heo tác động mạnh mẽ đến đời sống như thế nào. Một số người đã chuyển sang sử dụng các loại thịt khác do giá thịt heo quá đắt đỏ.

Giá thịt heo tăng kéo lạm phát tăng theo

Theo CNN, giá thịt heo hiện nay cao hơn tới 70% so với cùng kì năm ngoái, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc. Điều này đã đẩy chỉ số lạm phát của Trung Quốc trong tháng 9 tăng lên 3% từ mức 2,8% hồi tháng 8.

Trung Quốc chiếm tới một nửa lượng heo trên toàn thế giới và số đầu heo nước này đã giảm 130 triệu con kể từ khi bệnh dịch bùng phát 13 tháng trước. Nhiều nông dân tỏ ra e ngại việc tái đàn do lo sợ dịch sẽ bùng phát trở lại.

Dịch tả heo châu Phi đã khiến nhiều hộ gia đình phải đau đầu vì thịt heo là một trong những thực phẩm chính trong bữa ăn của người Trung Quốc

Thịt heo chiếm tới 70% trong cơ cấu tiêu thụ các loại thịt của Trung Quốc, theo số liệu chính thức năm 2018. Như vậy, trung bình mỗi người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 20 kg thịt heo/năm.

Hàng trăm năm qua, thịt heo đã đóng vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực của người Trung Quốc và là nguyên liệu chính của nhiều món ăn nổi tiếng trong đó có món thịt kho Đông Ba và thịt "hai lần chín".

Chưa bao giờ người dân Trung Quốc lại phải chứng kiến giá thịt heo tăng phi mã đến vậy. Một số người cho biết giá thịt heo quá đắt đỏ khiến họ phải ăn rau. 

Một số cư dân mạng nước này thậm chí còn so sánh thịt heo lúc này còn giá trị hơn những dòng smartphone cao cấp.

Một số vùng, giá thịt heo đã tăng gần gấp đôi trong những năm trở lại đây. Thịt heo bán lẻ với giá khoảng 4,5 USD/kg (tương đương hơn 104.000 đồng/kg). Thậm chí có những nơi mức giá lên tới 8,45 USD/kg (tương đương hơn 196.000 đồng/kg).

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-16 lúc 18

Diến biến mức tăng, giảm (%) so với cùng kì năm trước của giá thịt heo của Trung Quốc giai đoạn tháng 10/2018 - 9/2019. Nguồn: CNN

Trước tình trạng này, chính phủ Trung Quốc đã có một số động thái nhằm trợ cấp giá thịt heo. Tính từ tháng 4 đến giữa tháng 9, quốc gia châu Á đã chi khoảng 452 triệu USD cho những gia đình thu nhập thấp để có tiền mua thịt heo.

Các quan chức đã đi khắp đất nước để tuyên truyền cho người dân về tình tình trạng khan hiếm thịt heo có thể ảnh hưởng xấu đến ổn định xã hội nếu không được giải quyết triệt để.

Tuần này, truyền thông Trung Quốc đưa tin Thủ tướng Lý Khắc Cường đến thăm một cửa hàng bán đồ ăn đường phố khu vực phía tây thành phố Tây An. Cửa hàng này phản ánh họ buộc phải tăng giá đồ ăn do giá thịt heo tăng cao quá.

Hàng loạt biện pháp để ổn định giá heo

Nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung và ổn định giá, hồi tháng 9, Trung Quốc đã mở cuộc đấu giá 30.000 tấn thịt đông lạnh trong kho dự trữ.

Một số nông dân thậm chí "vỗ" cho heo thật béo để lượng thịt mỗi con nhiều hơn. Công ty Jiangxi Zhengbang Technology tháng trước cho biết họ sẽ nuôi heo đạt trọng lượng 150 kg mới đưa vào lò mổ. Mức trọng lượng này cao hơn 25% so với bình thường.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường nhập khẩu heo để đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng.

Quốc gia châu Á đã nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn thịt heo trong 9 tháng đầu năm, cao hơn 44% so với cùng kì năm ngoái, theo dữ liệu của Tổng Cục Hải quan công bố vào đầu tuần này.

Nhập khẩu thịt bò cũng tăng hơn 50% do người dân chuyển sang loại thịt này để thay thế thịt heo.

Tuần trước, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại trong đó bao gồm điều khoảng Trung Quốc cam kết mua các sản phẩm nông sản từ Mỹ.

Trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều nông sản nhất của Mỹ, trong đó thịt heo chiếm một phần không nhỏ.

Cơn sốt giá heo vẫn tiếp diễn

Giới phân tích cảnh báo cơn sốt giá heo Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt. 

Ngân hàng Rabobank dự báo giá thịt của nước này sẽ còn tăng hơn nữa, nhất là khi các dịp lễ Tết đang đến gần. Điều này buộc người tiêu dùng phải thay đổi khẩu phần ăn, ít nhất là trong thời gian ngắn.

"Người dân chuyển sang các loại thịt khác rẻ hơn để thay thế thịt heo ví dụ như thịt gà. Lượng tiêu thụ thịt bò và thịt cừu cũng sẽ tăng khi mùa đông đang đến", chuyên gia kinh tế Ting Lu cho biết.

Tuy nhiên, ông Lu cho rằng về dài hạn, thịt heo vẫn là thực phẩm truyền thống của người Trung Quốc và dịch tả heo châu Phi sẽ không thay đổi được điều này.

H.Mĩ