|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Financial Times: Fed rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan về quyết định có nên dừng nới lỏng chính sách

16:27 | 28/10/2019
Chia sẻ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn rằng có nên phát tín hiệu tạm dừng đợt điều chỉnh chính sách giữa chu kì sau lần cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp trong năm nay, dự kiến được thực hiện tại cuộc họp chính sách vào giữa tuần này.
1

Chủ tịch Fed phải đối diện với tình trạng chia rẽ trong nội bộ FOMC sau hai lần hạ lãi suất vừa qua.

Thêm một lần hạ lãi suất vào tháng này là vừa đủ để hoàn thành mục tiêu điều chỉnh giữa chu kì?

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã mô tả động thái cắt giảm lãi suất, lần đầu tiên được thực hiện vào tháng 7, là một sự "điều chỉnh giữa chu kì" nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi tác động của cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khơi mào cũng như tránh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, theo Financial Times.

Nếu Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hàm ý về một đợt cắt giảm lãi suất mới vào chiều ngày 30/10 (theo giờ Mỹ), điều đó đồng nghĩa rằng Fed đã nới lỏng chính sách tiền tệ đến 75 điểm cơ bản trong năm nay.

Đối với một số nhà kinh tế lẫn quan chức Fed, đợt hạ lãi suất này là vừa đủ để hoàn thành mục tiêu "điều chỉnh giữa chu kì" mà Chủ tịch Powell thông tin trước đó.

"Tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tuần này và sau đó tạm dừng từ nay cho đến hết năm", ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại Bank of the West, nhận định.

Fed tiến thoái lưỡng nan vì chưa chắc có nên dừng nới lỏng chính sách

Loạt dữ liệu kinh tế kém khả quan và lo ngại về phản ứng tiêu cực của thị trường có thể khiến ông Powell và quan chức hoạch định chính sách khác của Fed ngần ngại thông báo rằng đợt điều chỉnh nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ đã kết thúc.

Thỏa thuận "đình chiến" giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ mang tính tạm thời. Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Chile vào tháng tới, nhiều mức thuế quan và căng thẳng trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước sẽ còn kéo dài.

"Fed có nguy cơ thắt chặt các điều kiện tài chính không cần thiết. Chúng tôi hi vọng Chủ tịch Jerome Powell sẽ tránh phạm phải sai lầm này", ông Joe Lavorgna, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Natixis (New York), nhận định.

Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào tuyên bố của FOMC, liệu rằng ủy ban này có thay đổi cam kết "sẽ hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ" - một dấu hiệu chỉ ra khả năng cắt giảm thêm lãi suất trong tương lai, sang một cụm từ ít mang tính khẳng định hơn hay không.

"Duy trì cam kết trên là con đường ít gây ra phản ứng chống đối nhất. Nếu Fed thay đổi nội dung tuyên bố, họ sẽ vô tình trở nên cứng rắn hơn"... "Dữ liệu kinh tế đang không mấy khả quan nên tôi nghĩ họ không nên phát biểu cứng rắn như thế", theo nhận định của nhà kinh tế Michelle Mayer tại Bank of America Merrill Lynch.

Sức nặng từ bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell

Ngoài ra, bình luận của Chủ tịch Fed tại cuộc họp báo kế tiếp cũng đóng vai trò quan trọng. Ông Powell đã phải đối mặt với tình trạng chia rẽ ngày càng lớn trong nội bộ FOMC liên quan đến quyết định hạ lãi suất hai lần trước cũng như thời điểm cho động thái đó.

Theo Financial Times, nguy cơ chia rẽ nội bộ trên sẽ còn nghiêm trọng hơn trong vài tháng tới, khi mà ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ sẽ phải quyết định có nên tiếp tục hạ lãi suất hay kiên định rằng đợt điều chỉnh giữa chu kì đã kết thúc sau lần nới lỏng chính sách thứ ba trong năm nay.

Fed có thể đánh mất uy tín nếu đã cam kết dừng đợt nới lỏng chính sách tiền tệ giữa chu kì nhưng sau đó lại quyết định hạ thêm lãi suất và mở rộng chu kì điều chỉnh.

"Chúng tôi kì vọng Fed sẽ cứng rắn hơn một chút, trong đó Chủ tịch Powell khẳng định chính sách tiền tệ cơ bản của NHTW Mỹ không thay đổi nhưng sẽ hành động dựa trên số liệu và phản ứng nhanh chóng nếu triển vọng kinh tế xấu đi", theo nhận định của nhà kinh tế Spencer Hill thuộc Goldman Sachs.

Bà Anne Mathias, chiến lược gia ngoại hối và lãi suất tại Vanguard, cho biết: "Fed chưa sẵn sàng nới lỏng chính sách hơn nữa để thúc đẩy lạm phát, tuy nhiên NHTW Mỹ cũng không có đủ cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất mạnh tay".

Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ dường như không còn khả năng rơi vào suy thoái. Fed khu vực Atlanta dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 1,8% trong quí III so với 2% ghi nhận trong cùng kì năm ngoái.

Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ dừng lại ở mức 2,4% trong năm nay và 2,1% vào năm tới. Tăng trưởng việc làm cũng chững lại, dữ liệu sản xuất và lạm phát đều đi xuống, tuy nhiên niềm tin người tiêu dùng vẫn tương đối mạnh mẽ và ổn định.

Các quan chức Fed có thể tuyên bố rằng họ đã ngăn chặn thành công đà suy yếu của nền kinh tế Mỹ trong năm nay, nhưng bức tranh toàn cầu, cái mà họ vốn không thể kiểm soát, vẫn rất u ám.

"Chúng tôi thực sự không biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Brexit và căng thẳng ở Nga, Triều Tiên cũng như Trung Đông sẽ đi về đâu", ông Chris Iggo, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại AXA Investment Managers, lo lắng.

"Tôi muốn tin rằng đây chỉ là một đợt điều chỉnh giữa chu kì, nhưng một phần còn phụ thuộc vào các vấn đề địa chính trị đang nằm trên bàn đàm phán", ông nói.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump liên tục gây áp lực buộc Fed phải hạ lãi suất và ông Trump sẽ chỉ trích dữ dội nếu NHTW Mỹ phát tín hiệu tạm dừng điều chỉnh chính sách.

Vào tuần trước, Tổng thống Mỹ đã cáo buộc Fed vô trách nhiệm khi không hạ lãi suất và kích thích nền kinh tế, đe dọa biến Chủ tịch Powell thành "vật tế" nếu tăng trưởng kinh tế chững lại khi ông bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Yên Khê