|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc PBoC: Trung Quốc cần tránh kích thích kinh tế quá mạnh

13:50 | 24/09/2019
Chia sẻ
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Dịch Cương, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), nhận định Trung Quốc cần tránh đưa ra gói kích thích quá mạnh, kiểm soát mức nợ và giữ lại lập trường chính sách tiền tệ thận trọng, Bloomberg đưa tin.
yi-gang

Thống đốc PBOC, Yi Gang

Ông Dịch Cương cho biết nhìn chung, Trung Quốc vẫn kiểm soát được các rủi ro tài chính vẫn và đã xử lý những rủi ro từ lĩnh vực ngân hàng ngầm và một số định chế khác. 

Ngoài ra, Thống đốc PBoC cũng lặp lại lập trường của ngân hàng trung ương tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh cùng với Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun và lãnh đạo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Ning Jizhe.

Trước cuộc họp báo, PBoC tuyên bố lãi suất đang ở mức thích hợp và ngan hàng trung ương vẫn còn nhiều công cụ chính sách tiền tệ.

Hiện Trung Quốc đang bị khó khăn bủa vây. Cụ thể hơn, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc yếu nhất trong gần 30 năm, sản lượng công nghiệp tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2002 trong tháng trước, kim ngạch xuất khẩu đột nhiên suy giảm so với cùng kì năm trước và chỉ số giá sản xuất (PPI) chìm sâu vào phạm vi giảm phát. 

Trước tình cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách phải bổ sung thêm biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang và kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Gần đây, PBoC đã hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Tuy nhiên, có vẻ như họ không muốn giảm lãi suất trên diện rộng.  Các chuyên gia phân tích đang lên tiếng giục PBoC đưa ra tín hiệu nới lỏng quyết liệt hơn hơn sau khi một chỉ số đo lường chi phí đi vay chỉ giảm nhẹ trong ngày 20/9.

Cùng ngày, lãi suất tham chiếu cho khoản vay ngân hàng kì hạn 1 năm được thiết lập ở mức 4,2% cho tháng 9/2019, giảm từ mức 4,25% của tháng 8/2019. 

Mặc dù PBoC có tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ trong những tháng gần đây để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng họ vẫn do dự và không muốn đưa ra các gói kích thích mạnh hơn vì sợ sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính và mức nợ cao ngất ngưởng.

Điều này khá tương phản với động thái của các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) – hai ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất hoặc thể hiện họ muốn giảm lãi suất.

Minh Tuấn