|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thanh toán di động đang làm rung chuyển ngành dịch vụ Trung Quốc

12:33 | 23/09/2019
Chia sẻ
Tại Hàng Châu, quê nhà của ông lớn thương mại điện tử Alibaba Group Holding, một bước chuyển mình đã diễn ra tại Bệnh viện Nhân dân đầu tiên của Yuhang.

Đã qua rồi cái thời từng hàng dài bệnh nhân ngồi chờ đợi vật vã – từng được xem là biểu tượng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe công tại các thành phố của Trung Quốc. Vậy mà nay, ngay cả quầy thanh toán cũng chỉ có một vài người chờ đến lượt, bài viết trên Nikkei Asian Review ghi lại.

Thanh toán di động len lỏi mọi hoạt động đời sống

Bệnh viện xử lí vấn đề này bằng cách áp dụng nhận dạng khuôn mặt cho tất cả mọi thứ, từ đặt lịch hẹn bác sĩ đến thanh toán cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Bước chuyển mình trên cho thấy thanh toán di động tiếp tục phát triển ở Trung Quốc ra sao khi giá trị giao dịch hàng năm đạt 178 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 25,1 nghìn tỉ USD), một nghiên cứu cho thấy. 

Giờ đây, dịch vụ thanh toán di động đang mở rộng từ các bữa ăn tại quầy hàng thực phẩm cho đến mua xe và dịch vụ y tế.

https---s3-ap-northeast-1

Nguồn: Nikkei Asian Review

Alibaba và đối thủ Tencent Holdings đều có khoảng 1 tỉ người dùng trong nền tảng thanh toán, chiếm 90% tổng số giao dịch di động. Họ đã thổi bùng xu hướng không sử dụng tiền mặt và sinh ra vô số doanh nghiệp dựa vào cơ sở hạ tầng tài chính mới này.

Hệ thống nhận dạng khuôn mặt của bệnh viện là một nhánh của Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến của Alibaba.

Kết hợp với thẻ bảo hiểm, thanh toán qua điện thoại thông minh và dữ liệu khuôn mặt cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn qua điện thoại và chỉ mất 30 giây là hoàn tất. 

Dịch vụ này đã cài đặt một camera để xác thực khuôn mặt trong mỗi phòng khám và gần như tự động lưu trữ kết quả chẩn đoán và xử lí thanh toán thông qua Alipay. Bệnh nhân có thể rời bệnh viện sau khi nhận thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.

Ứng dụng này không sử dụng các công nghệ tiên tiến đáng chú ý, mà sử dụng hệ thống xác thực khuôn mặt để nhận dạng từng bệnh nhân và kết nối bệnh viện với Alipay để tham gia vào các giao dịch tài chính với ngân hàng.

Nhưng Alibaba đã làm thay đổi cảnh tượng thường thấy tại các bệnh viện Trung Quốc. Đó là hàng dài bệnh nhân chờ đợi điều trị tại các bệnh viện và việc nhận điều trị rất khó khăn vì chờ quá lâu. 

Đồng thời với việc thu thập dữ liệu y tế, công ty cũng nhắm đến một doanh nghiệp mới về chẩn đoán tự động bằng trí tuệ nhân tạo.

Công ty nghiên cứu RBR của Anh cho biết tổng giá trị thanh toán bằng thẻ tín dụng trên toàn thế giới chỉ hơn 25 nghìn tỉ đô la trong năm 2017. Thanh toán qua điện thoại thông minh ở Trung Quốc đang ngang bằng với con số đó, mặc dù khó mà so sánh giữa hai dịch vụ này.

picturemessage_cxyix1np

(Nguồn: Nikkei Asian, Minh Tuấn Việt hóa)

Kang Xiaohui (28 tuổi), làm việc cho Ele.me, nền tảng giao hàng trực tuyến của Alibaba, kiếm trung bình 6.000 - 7.000 nhân dân tệ/tháng sau một năm làm công việc này.

"Chẳng hề có công việc nào hấp dẫn như vậy ở quê nhà của tôi (tỉnh An Huy)", anh nói.

Mỗi ngày, anh Kang chuyển thức ăn đến 30 đia điểm, băng qua các quận kinh doanh ở Thượng Hải. Giữa những chặng dừng chân, anh ngồi phịch xuống để ăn mì hoặc cơm, mỗi bữa ăn chỉ tốn 15 nhân dân tệ. Sống trong một góc nhỏ của một căn hộ chẳng mấy đắt đỏ, anh đã có thu nhập cao hơn trước đây.

Người thành thị Trung Quốc hiếm khi trả bằng tiền mặt

Alibaba tự hào cho biết, họ đã tạo ra hơn 30 triệu việc làm bao gồm cả những người trong các lĩnh vực liên quan. 

Nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma, vừa từ chức chủ tịch trong ngày 17/9, cho biết gã khổng lồ công nghệ tìm cách trở thành "nền kinh tế" lớn thứ 5 trên thế giới, xét trên phần đóng góp mà họ mang lại cho nền kinh tế, bằng cách cung cấp việc làm cho 100 triệu người.

Mong muốn của ông Ma không phải là giấc mộng viễn vông. Cuộc khảo sát gần đây của Nikkei, trong đó phỏng vấn hơn 50 người ở những nơi như Thượng Hải và các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, phát hiện ra 40% người tham gia khảo sát không sử dụng tiền mặt trong tháng đó. Người dân thành thị cũng hiếm khi trả bằng tiền mặt.

Hu Mingqiang (28 tuổi), kĩ sư phần mềm ở thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Chiết Giang, đã mua chiếc xe Lavida của Volkswagen trong tháng 7/2019, trả góp 60.000 nhân dân tệ qua Alipay. Trong suốt tháng qua, ông chỉ trả tiền mặt cho tiền nước uống 5 nhân dân tệ và phí đỗ xe 20 nhân dân tệ.

mobile payments

Thanh toán bằng các mã QR tại một chợ hải sản ở Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)

Lượng dữ liệu dồi dào lại tạo ra những doanh nghiệp mới. Khai thác ứng dụng của Alipay nhiều lần sẽ dẫn đến một trang web có tên Huabei, trong đó hiển thị thông tin như 80.000 nhân dân tệ là giới hạn trên của hoạt động cho vay và lãi suất hàng ngày được đặt ở mức 0,05% số dư chưa thanh toán.

Huabei là một dịch vụ cho vay quy mô nhỏ được điều hành bởi một công ty tài chính thuộc Alibaba.

Mục tiêu của thanh toán không bằng tiền mặt là gì?

Dịch vụ của Huabei sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tính giới hạn cho vay và lãi suất, kiểm tra tất cả các loại thông tin về người nộp đơn, chẳng hạn như họ không thanh toán khi mua hàng trên trung tâm mua sắm trực tuyến Taobao hay chậm thanh toán hóa đơn tiền điện nước.

Như trong trường hợp thẻ tín dụng, Huabei thiết lập hạn mức tín dụng cho người dùng và để họ thanh toán sau khi chi tiêu. 

Alipay tập hợp các khoản vay rất nhỏ vào các đợt, mỗi đợt trị giá từ 2 tỉ nhân dân tệ đến 3 tỉ nhân dân tệ và bán chúng cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn.

Theo dữ liệu của Alipay, các khoản nợ xấu chỉ chiếm 0,47% tổng dư nợ dựa trên các khoản vay được xác định bằng AI tính đến tháng 6/2017, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu trung bình 1,8% của các ngân hàng thương mại tại Trung Quốc.

Nhưng việc mở rộng khu kinh tế dựa trên điện thoại thông minh cho thấy rủi ro liên quan đến việc quản lý thông tin.

Trong khi các công ty hàng đầu Alibaba và Tencent theo dõi chi tiết thông tin cá nhân, thì năm ngoái, Trung Quốc yêu cầu tất cả khoản thanh toán điện thoại thông minh phải thông qua một hệ thống có liên kết với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).

Alibaba và Tencent đã đầu tư vào hệ thống này để hợp tác với PBoC về nguồn nhân lực và các hoạt động khác.

Người dân Trung Quốc thường chấp nhận quy tắc mới nếu nó mang lại đủ lợi ích về kinh tế và thân thiện với người dùng. 

Trong khảo sát của Nikkei, chỉ có một người tham gia đề cập đến việc tuân thủ thanh toán bằng tiền mặt. Thế nhưng xu hướng thanh toán không bằng tiền mặt của người tiêu dùng Trung Quốc góp phần vào công cuộc giám sát xã hội của đất nước.

Minh Tuấn