Bí quyết định vị thương hiệu thời trang của cô chủ Emwear
Thời trang là lĩnh vực kinh doanh chưa bao giờ hết “hot” với giới trẻ. Mỗi năm, thị trường tăng thêm vô số thương hiệu mới, từ shop trực tuyến đến cửa hàng quần áo, phụ kiện, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng. Vài năm gần đây, nhiều nhãn hàng thiết kế “made in Viet Nam” xuất hiện thay vì chỉ phân phối hàng ngoại. Câu chuyện làm thương hiệu trở nên khó khăn khi các hãng thời trang trong, ngoài nước mọc lên “như nấm sau mưa”.
Từng chia sẻ trong chương trình Chuyển động kinh doanh, Nguyễn Thị Thùy Trang – người sáng lập thương hiệu Emwear nhận định, số tiền đầu tư cho thời trang phụ thuộc vào mặt hàng, giá bán, đối tượng mục tiêu. Thông thường, chủ cửa hàng sẽ chia vốn thành nhiều phần cho chi phí sản phẩm, tiếp cận khách hàng, xoay vòng tồn kho, thuê nhân viên. Họ phải đảm bảo vận hành mô hình trong 6 tháng đầu dù chưa tạo ra lợi nhuận.
Nguyễn Thị Thùy Trang – người sáng lập thương hiệu Emwear trong chương trình Chuyển động kinh doanh. |
Bản thân Trang khởi nghiệp với vỏn vẹn 40 triệu đồng. Sẵn có mặt bằng, cô dành nhiều chi phí cho sản xuất. Thời gian đầu, cô bán lẻ sản phẩm, rồi thu tiền về nên hồi vốn vào tháng thứ 3 và tạo ra lợi nhuận ngay sau đó.
Dòng tiền nhanh chính là lợi thế của ngành thời trang. Do đó, người khởi nghiệp cần chú trọng khâu sản xuất đầu tiên. Đảm bảo yếu tố này, họ mới làm tốt được marketing, giá bán, khách hàng. Ngoài ra, họ cần nắm bắt thị trường, xu hướng mới trên thế giới để định hướng chiến lược trong từng giai đoạn bán hàng nhằm giảm thiểu hàng tồn kho.
Đối với thương hiệu mới ra đời, những vị khách đầu tiên vừa giúp quay vòng vốn vừa đóng góp ý kiến hoàn thiện sản phẩm. Cô chủ Emwear cho hay, khách hàng ban đầu là bạn bè, người thân nhưng cũng là khách hàng mục tiêu của cô. Họ nằm ở độ tuổi trên 20, mức thu nhập trung bình khá, đặc biệt họ đã biết doanh nhân nên sẵn sàng bỏ tiền mua những sản phẩm đầu của Emwear.
Sản phẩm thời trang của thương hiệu Emwear. Ảnh: Emwear. |
Tâm lý phụ nữ Việt thích mới lạ thay vì gắn bó với nhãn hàng nhất định. Trang cho rằng, cách duy nhất giúp cửa hàng thời trang có thêm khách mới và khiến khách cũ quay lại là liên tục ra sản phẩm mới. Bên cạnh đó, sản phẩm đẹp kèm theo dịch vụ tốt vẫn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.
Từng tham gia Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, CEO Emwear gây ấn tượng bởi màn thương thuyết đầy tự tin, thành công gọi vốn 2 tỷ đồng. Thùy Trang tiết lộ, sau chương trình, nhiều bạn trẻ liên hệ với cô để hỏi cách bắt đầu kinh doanh thương hiệu thời trang bằng số vốn nhỏ.
“Phần lớn họ thể hiện đam mê thời trang, ước muốn xây dựng thương hiệu riêng mình. Tuy nhiên, họ không hiểu chính đứa con tinh thần, thậm chí không xác định được nhóm khách hàng mục tiêu. Trong thời trang, sản phẩm đẹp chưa chắc tiêu thụ tốt vì thị trường ngoài kia có vô vàn mẫu mã. Nét khác biệt mới là thứ giúp thương hiệu thu hút và định vị sớm trong lòng khách hàng”, Trang bày tỏ quan điểm.
Nguyễn Thị Thùy Trang kêu gọi thành công 2 tỷ đồng từ doanh nhân Trần Anh Vương trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên. |
Để sớm định vị thương hiệu trên thị trường, người khởi nghiệp cần nắm rõ sự khác biệt nổi trội của sản phẩm, đồng thời nhấn nhá điểm mạnh thông qua hình ảnh. “Hình ảnh không cần quá xuất sắc, bắt mắt, nhưng phải diễn tả đúng trang phục, đánh vào tâm lý khách hàng khi tìm đến thương hiệu. Bức ảnh giúp người dùng giải đáp câu hỏi: Tôi cần gì ở sản phẩm? Khi mặc sản phẩm, ngoại hình của tôi sẽ thế nào?”, Trang nói.
Nữ doanh nhân khuyên những người dự định kinh doanh thời trang cần thực sự đam mê, theo đuổi đến cùng. Liên tục cập nhật thị trường, hiểu người tiêu dùng cần gì là công việc hàng ngày của họ. Đặc biệt, một thương hiệu chuyên nghiệp không thể xây dựng bởi cá nhân, mà là sự góp sức của cả đội ngũ chuyên nghiệp để hỗ trợ thiếu sót cho nhau.
Xem thêm |