|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bí mật ẩn sau số liệu việc làm tích cực của Mỹ

21:43 | 19/06/2023
Chia sẻ
Ẩn sau sự bùng nổ của hoạt động tuyển dụng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là một xu hướng có vẻ trái ngược: người lao động đang làm việc ít giờ hơn.

Một bảng tuyển dụng tại California. (Ảnh: Getty Images).

Bí mật ẩn đằng sau

Ẩn sau sự bùng nổ của hoạt động tuyển dụng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là một xu hướng có vẻ trái ngược: người lao động đang làm việc ít giờ hơn.

Theo số liệu chính thức, trong tháng 5, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của người lao động trong khu vực tư nhân đã giảm xuống còn 34,3 - thấp hơn mức trung bình của năm 2019 và giảm so với mức đỉnh 35 giờ vào tháng 1/2021.

Điều này có vẻ đáng ngại. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP đang chững lại, một số nhà tuyển dụng tại Mỹ có thể phản ứng bằng cách giảm giờ làm của nhân viên để chuẩn bị cho suy thoái kinh tế.

Ông Aichi Amemiya, chuyên gia kinh tế cấp cao của Nomura Securities, nhận định: “Trước đây, số giờ làm của người lao động bị cắt giảm là một điềm báo đáng tin cậy về làn sóng sa thải nhân công”.

Báo động sai

Lần này, tín hiệu suy thoái đó có thể là một báo động sai vì kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các yếu tố bất thường đã xuất hiện trong nền kinh tế, tờ Wall Street Journal (WSJ) lưu ý.

Quả thực, ngay cả khi các chủ doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, họ cũng đang bổ sung thêm nhân công - một xu hướng hiếm khi xảy ra khi nền kinh tế thu hẹp.

Trong tháng 5, Mỹ đã có thêm 339.000 việc làm và tính từ đầu năm đến nay là gần 1,6 triệu. Theo Bộ Lao động, tỷ lệ sa thải trong tháng 4 thấp hơn gần 13% so với mức trung bình của năm 2019.

Theo ông Amemiya, những trải nghiệm tuyển dụng không mấy dễ chịu trước đây đã khiến doanh nghiệp ngần ngại cắt giảm nhân sự bởi họ có thể lại cần những nhân viên đó khi hoạt động kinh doanh đi lên.

Cũng nhờ vậy, các chủ lao động cuối cùng cũng có thể lấp đầy những vị trí đã bỏ trống từ lâu, đồng thời cho phép những nhân viên làm việc quá sức trở lại số giờ làm việc bình thường.

Trong tháng 5, một công nhân nhà máy bình thường làm tăng ca khoảng 3,6 giờ, giảm so với con số 4,1 giờ một năm trước.

 

Một ví dụ

Trong đại dịch, hãng American Fleet xuất xưởng khá nhiều động cơ diesel cho các công ty vận tải đường bộ.

Giám đốc bán hàng Mark Patterson cho biết công ty có trụ sở tại Springfield (bang Missouri) này không thể tuyển đủ nhân công để bắt kịp nhu cầu sản xuất.

Ông nói: “Chúng tôi có thể dễ dàng sản xuất 30 động cơ mỗi tháng và vào năm ngoái thì đôi khi phải 40 động cơ, miễn là tất cả mọi người cùng làm thêm giờ để hoàn tất đơn hàng”.

Đến đầu năm nay, đà tăng trưởng đó đột ngột kết thúc. Các đơn hàng của American Fleet giảm khoảng 40% khi cơn sốt mua hàng thời đại dịch hạ nhiệt, khiến nhu cầu xe tải đi xuống.

Từng phải vật vã đăng tin tuyển dụng, công ty này bắt đầu cắt giảm giờ làm của công nhân. Bình thường, giảm giờ làm thường báo trước việc sa thải nhân sự.

Tuy nhiên, ông Patterson cho biết American Fleet không dự định sẽ sa thải bất kì ai vì hiện rất khó để tìm thợ máy có tay nghề.

Giờ đây, với ít đơn hàng hơn, các công nhân đang lắp ráp sẵn các khối máy và nâng cấp thiết bị. Giám đốc bán hàng Patterson lạc quan rằng doanh số sẽ bắt đầu tăng trở lại bởi tàu container đang quay trở lại Mỹ.

“Thị trường đang khan hiếm lao động đến mức chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giữ chân thợ máy. Đây là tình cảnh khó khăn nhất mà chúng tôi từng đối mặt, American Fleet đã hoạt động được 35 năm rồi”, ông chia sẻ.

 

Cân đối công việc - cuộc sống

Một nguyên nhân khác khiến thị trường việc làm vẫn bị thắt chặt khi số giờ làm giảm xuống là nhiều người đang muốn làm việc ít hơn.

Trong đại dịch, người Mỹ đã bắt đầu dành ít thời gian cho công việc hơn, một nghiên cứu của nhà kinh tế Yongseok Shin và các đồng nghiệp tại Đại học Washington chỉ ra.

Kết quả nghiên cứu được rút ra từ khảo sát hộ gia đình của Cục Điều tra Dân số, cho thấy số giờ làm thực tế của người tham gia phỏng vấn và các thành viên trong gia đình họ.

Xu hướng này tiếp tục ngay cả khi tác động của đại dịch đã giảm bớt. Thời gian đầu sau khi COVID-19 lắng dịu, một người lao động bình thường đang làm việc ít giờ hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014, tức là khi nền kinh tế đang phục hồi chậm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009.

Theo nhà kinh tế Shin, dữ liệu cho thấy ưu tiên của người lao động đã thay đổi nhờ chất xúc tác là đại dịch. Làm việc từ xa đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi người nghỉ nghơi sớm hơn mà không cần lo lắng về thái độ của chủ lao động.

Ông nói thêm rằng việc nhiều người cân bằng lại công việc - cuộc sống cũng có thể là một yếu tố tác động đến thực tế thị trường lao động hiện giờ.

Trước đại dịch, người lao động có thể lo lắng về nguy cơ không được thăng chức hay thưởng thêm nếu làm việc ít hơn đồng nghiệp.

“Nhưng khi cùng lúc một lượng đáng kể người lao động chọn làm ít việc hơn, họ không cần lo lắng về việc mất vị thế trong nền kinh tế. Đó là lý do tôi nghĩ đây sẽ là một xu hướng ổn định [trong tương lai]”, ông Shin nói.

Khả Nhân

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I tiếp tục ghi nhận sự xáo trộn lớn khi có đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.