|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bếp trên mây và dịch vụ giao đồ ăn - nguồn oxy cho nhiều nhà hàng trong thời bình thường mới

08:00 | 20/09/2021
Chia sẻ
Mô hình 'bếp trên mây' và dịch vụ giao đồ ăn bùng nổ tại Đông Nam Á nhờ đại dịch

Tại một khu công nghiệp ở ngoại ô Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), đầu bếp đang chuẩn bị các bữa ăn sẽ không được phục vụ trong các nhà hàng: chào mứng đến với thế giới của "bếp ma" (ghost kitchen).

Ngay cả trước khi đại dịch gửi một cơn địa chấn cho ngành nhà hàng, ăn uống, quá trình "Amazon hoá" các bếp ăn thương mại cũng đã nhen nhóm. Dù vậy, các lệnh phong toả, giãn cách xã hội vì COVID-19 đã thúc đẩy tăng trưởng bùng nổ ở Châu Á.

Mô hình 'bếp ma' bùng nổ tại Đông Nam Á nhờ đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Mô hình "bếp trên mây", "bếp ma" hay "bếp chung" để phục vụ cho hoạt động giao đồ ăn phát triển bùng nổ trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: Getty).

Sự phát triển của các ứng dụng giao đồ ăn đồng nghĩa với việc khách hàng cũng đã quen với việc các bữa ăn chất lượng được giao đến tận đến tận nhà.

Để đáp ứng nhu cầu, ngày càng có nhiều nhà hàng đang chọn sử dụng các khu vực bếp chỉ dành để xử lý các đơn hàng giao đồ ăn, còn được biết đến với tên gọi "bếp trên mây" (cloud kitchen). Đơn giản hơn, các nhà hàng cũng có thể đi thuê một không gian bếp như vậy.

Khi đại dịch đến, việc ăn uống bên ngoài đối với hàng tỷ người là không thể thực hiện được. "Điều này thực sự thúc đẩy toàn ngành sang một trạng thái tăng trưởng mạnh, và điều đó thực sự đã giúp chúng tôi", ông Jason Chen, CEO Just Kitchen, nói với AFP.

Just Kitchen mở một "bếp ma" đầu tiên ở Đài Loan đầu năm ngoái. Hiện tại, Just Kitchen đã có 17 bếp ở thị trường này và một ở Hong Kong. Cho đến cuối năm nay, Just Kitchen muốn mở rộng sang cả Philippines và Singapore.

Các "siêu ứng dụng" như Gojek và Grab cũng tham gia vào xu hướng này. Grab đã mở 20 "bếp trên mây" mới ở Đông Nam Á trong năm ngoái, tăng lên từ con số 42 bếp trước thời điểm đại dịch.

Ngành công nghiệp "bếp ma" trên toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn 12% mỗi năm để đạt đến mốc 139,37 tỷ USD tới thời điểm năm 2028, theo một báo cáo của Research And Markets. Trong đó, khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm khoảng 60% dung lượng thị trường.

Với nhiều thành phố đông đúc ở Châu Á, nơi không gian sống cực kỳ đắt đỏ, ăn uống bên ngoài từ các nhà hàng giá rẻ có chi phí thấp hơn tự nấu nướng.

Một cuộc đào vàng mỹ vị

Euromonitor ước tính rằng hiện đang có khoảng 7.500 "bếp ma" hoạt động ở Trung Quốc và 3.500 ở Ấn Độ, so với con số 1.500 của Mỹ và 750 ở Anh. 45 nhà hàng trong chuỗi nhà hàng của bà Natalie Phanphensophon đã phải chuyển hướng sang chỉ giao mang đi trong cả năm ngoái vì đại dịch.

Gia đình bà sở hữu các chuỗi Mango Tree và Coca tại Thái Lan. Phần lớn các nhà hàng đều nằm ở các trung tâm thương mại với chi phí thuê đắt đỏ và vắng bóng vì đại dịch. Đầu năm nay, bà mở "bếp trên mây" đầu tiên ở ngoại ô Bangkok và đang lên kế hoạch sẽ mở thêm hai bếp nữa.

"Mục tiêu của chúng tôi là con thuyền của mình có thể vượt qua cơn bão này", bà Phanphensophon nói. Theo bà, "bếp trên mây" có khả năng sinh lời không tốt như nhà hàng vì mọi người không gọi nhiều đồ như khi đi ăn ở ngoài. Dù vậy, chi phí vận hành của nó cũng thấp hơn nhiều.

Mô hình 'bếp ma' bùng nổ tại Đông Nam Á nhờ đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

"Bếp ma" hay "bếp trên mây" phát triển song hành cùng thói quen đặt đồ ăn của người dùng. Xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì ngay cả sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. (Ảnh: Getty).

iBerry Group, công ty nhà hàng và cửa hàng kem chủ yếu hoạt động trong các trung tâm thương mại, cũng đang ở các trung tâm xử lý chỉ phục vụ giao hàng. "Bếp trên mây như một 'mặt mạ oxy' đối với chúng tôi trong đại dịch", bà Thitanun Taveebhol, Giám đốc thương hiệu iBerry Group, nói.

Không chỉ các công ty lớn mới tham gia xu hướng này, nhiều "bếp trên mây" nhỏ lẻ cũng đã xuất hiện. Sau khi nghỉ hưu tại Air India, ông Nirjash Roy Chowdhury, dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để mở một "bếp trên mây" tại Mumbai, Ấn Độ.

Cả 6 nhân viên của ông đều là những người làm trong ngành khách sạn, vốn bị ảnh hưởng mạnh vì COVID-19. "Họ không còn gì để ăn. Nếu tôi có thể giúp ai đó duy trì cuộc sống bằng cách này thì không gì có thể so sánh được", người đàn ông 61 tuổi chia sẻ.

Ông Chowdhury tính toán rằng ông có thể cần tới 6 tháng để đạt điểm hoà vốn song tự tin rằng tiềm năng là rất lớn. "Tôi nghĩ là văn hoá bếp trên mây sẽ được duy trì", ông dự đoán. Các chuyên gia cũng có cùng quan điểm.

Nailul Huda, một nhà phân tích tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Indonesia, nói rằng chi phí vận hành thấp và thói quen đặt đồ ăn của giới trẻ sẽ là chất xúc tác cho tăng trưởng.

"Mọi người sẽ tiếp tục đặt đồ ăn sau đại dịch và "bếp ma" sẽ vẫn phát triển nhanh ngay cả khi đại dịch qua đi", ông nhận định. "Khi bạn đã đặt đồ ăn, bạn sẽ quen với nó và rất khó để bỏ thói quen này vì sự tiện lợi. Chúng tôi tích cực với triển vọng này", ông Chen của Just Kitchen nói.

Nam Khánh