|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bệnh viện Giao thông Vận tải mà bầu Hiển muốn 'tháo chạy' lỗ lũy kế 74 tỷ đồng

14:57 | 24/07/2018
Chia sẻ
Sáu tháng đầu năm, bệnh viện Giao thông Vận tải mà Tập đoàn T&T của bầu Hiển là cổ đông lớn nhất tiếp tục báo lỗ trên 16 tỷ đồng, nâng số lỗ quý kế của bệnh viện này lên 74 tỷ. 
benh vien giao thong van tai ma bau hien muon thao chay lo luy ke 74 ty dong
Tập đoàn T&T của bầu Hiển hiện là cổ đông lớn nhất tại bệnh viện Giao thông Vận Tải

Bệnh viện Giao thông Vận tải lỗ lũy kế trên 74 tỷ đồng

Quý II/2018, CTCP Bệnh viện Giao thông Vận tải (Bệnh viện GTVT) báo doanh thu gần 44 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ; biên lãi gộp ở mức 9,1%. Các loại chi phí đều giảm so với cùng kỳ, trong đó chi phí quản lý bệnh viện giảm hơn 1 tỷ đồng do giảm chi phí nhân công, còn 8,8 tỷ.

Kết quả, Bệnh viện Giao thông Vận tải báo lỗ 4,5 tỷ đồng trong quý, cải thiện hơn so với khoản lỗ 10 tỷ đồng quý II/2017.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, bệnh viện đạt doanh thu gần 87 tỷ đồng , lỗ 16,3 tỷ đồng (giảm lỗ trên 2 tỷ đồng so với cùng kỳ). Tính cả khoản lỗ nói trên, bệnh viện Giao thông Vận tải đã lỗ lũy kế tổng cộng trên 74 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản của bệnh viện ở mức 357 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn giảm 25% còn gần 68 tỷ đồng. Trong kỳ, tiền và tương đương tiền giảm 11,5 tỷ; phải thu ngắn hạn từ khách hàng giảm 10 tỷ đồng còn 52 tỷ trong đó phần lớn từ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 2,4 tỷ đồng. Các khoản mục khác thay đổi không đáng kể.

CTCP Bệnh viện Giao thông Vận tải và doanh nghiệp được chuyển đổi khi cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, vốn điều lệ 168 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ đông, CTCP Tập đoàn T&T hiện là cổ đông lớn nhất nắm 51,43% vốn điều lệ, Bộ Giao thông Vận tải đại diện phần vốn Nhà nước nắm 32,73%; các cổ đông khác nắm gần 16% còn lại.

benh vien giao thong van tai ma bau hien muon thao chay lo luy ke 74 ty dong
Cơ cấu cổ đông bệnh viện GTVT

Bầu Hiển muốn tháo chạy

Thời gian gần đây, Tập đoàn T&T tỏ ý muốn được thoái vốn toàn bộ tại bệnh viện Giao thông Vận tải. Công ty của bầu Hiển kiến nghị Nhà nước thu mua lại toàn bộ hơn 5 triệu cổ phần bán cho cổ động chiến lược với giá 11.000 đồng/cp. Tổng giá trị là 55,44 tỷ đồng theo Hợp đồng mua bán cổ phần ký kết ngày 6/10/2015.

Đồng thời, Nhà nước mua lại toàn bộ 3,6 triệu cổ phần chào bán lần đầu của bệnh viện GTVT trên Sở chứng khoán mà Tập đoàn T&T đã mua trúng đấu giá với giá mua là 26.000 đồng/cp, tổng số tiền mua trúng đấu giá đã thanh toán là 93,6 tỷ đồng.

“Tổng số cổ phần kiến nghị Nhà nước mua lại là 8,640 triệu cổ phần, với tổng số tiền nhà đầu tư đã thanh toán là 149,040 tỷ đồng,” đại diện Tập đoàn T&T cho hay.

Đồng thời, T&T cũng kiến nghị Nhà nước thanh toán số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền nêu trên tính từ ngày Tập đoàn này đã thanh toán cho bên bán cho tới ngày Tập đoàn T&T được thanh toán hoàn trả lại như đề xuất.

Nguyên nhân chính được cho là nguồn cơn khiến Tập đoàn T&T muốn rút toàn bộ vốn khỏi bệnh viện GTVT là do, khoảng đầu tháng 6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã ký văn bản yêu cầu HĐQT bệnh viện GTVT và nhà đầu tư chiến lược khẩn trương thực hiện ngay điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà bệnh viện theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại CTCP Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn Nhà nước tại Công ty sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn Nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà bệnh viện.

Theo tính toán của Bộ GTVT, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của CTCP Bệnh viện GTVT sẽ tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước là khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12% vốn điều lệ.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa bệnh viện GTVT đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn Nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại CTCP bệnh viện GTVT là 30%”.

Tuy nhiên, do không thực hiện thoái vốn đúng lộ trình cam kết, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhóm cổ đông còn lại (bao gồm cả cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T) sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đầy 30%. Và với mức này thì gần như các cổ đông, trong đó có cả cổ đông chiến lược sẽ không có tiếng nói gì trong mọi hoạt động của bệnh viện.

Xem thêm

Bạch Mộc