Bán lẻ ngoại lỗ thật hay giả?
Lotte Mart dẫn đầu danh sách với khoảng lỗ lũy kế gần 800 tỉ đồng kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam năm 2008 đến nay, bằng 1/2 vốn chủ sở hữu. Theo Giám đốc tài chính Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, ông Jeong Seong Won, đến cuối năm 2017, doanh thu của Lotte Việt Nam đạt 5.268 tỉ đồng. Trong vòng 10 năm, doanh nghiệp (DN) này đã chi gần 9.000 tỉ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vị trí mặt bằng chiến lược, trang thiết bị hiện đại… cho 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị trên cả nước đồng thời chi nhiều cho các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, ưu đãi, dịch vụ…
Nhà bán lẻ của Đức là Metro Cash & Carry Việt Nam vào Việt Nam từ năm 2002 và có lịch sử báo lỗ liên tục trong nhiều năm, chỉ ghi nhận 1 năm có lãi; lũy kế âm gần 600 tỉ đồng cho đến thời điểm chuyển nhượng toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam cho một tập đoàn Thái Lan năm 2015. Đến nay, mảng kinh doanh bán lẻ của 19 trung tâm này dưới sự quản lý của chủ mới vẫn chưa sinh lãi.
Hệ thống Big C từng đạt doanh thu trên 10.000 tỉ đồng mỗi năm trước đây nhưng từ khi Tập đoàn Central (Thái Lan) mua và tái cơ cấu đến nay doanh thu có phần đi xuống. Mặc dù vậy, Big C cho biết sẽ tiếp tục rót khoảng 500 triệu USD trong vòng 5 năm vào Việt Nam.
Emart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) mới tham gia thị trường vài năm trở lại đây nhưng đã ăn nên làm ra. Đại diện của bán lẻ Việt Nam, Saigon Co.op, trong gần 30 năm hoạt động đã liên tục đóng góp cho ngân sách nhà nước với con số không ngừng tăng lên mỗi năm. Năm 2017, Saigon Co.op là 1 trong 100 DN nộp thuế thu nhập DN cao nhất cả nước.
Câu hỏi đặt ra là vì sao cùng kinh doanh bán lẻ nhưng một số DN thua lỗ triền miên, số khác lại có lãi? Vì sao thua lỗ nhưng các nhà bán lẻ ngoại liên tục mở rộng hoạt động, đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam? Theo giới kinh doanh bán lẻ, ngoài lý do các "đại gia" bán lẻ ngoại mạnh về vốn, đầu tư đường dài nên sẵn sàng chịu lỗ thì việc chạy đua giành mặt bằng đẹp, lôi kéo nhân sự giỏi… đã đẩy chi phí gián tiếp tăng cao, "ăn" vào lợi nhuận. Quan trọng hơn, trong cấu trúc của các nhà bán lẻ nước ngoài có những chi phí liên quan đến chuyển giá dẫn đến lỗ trong hoạt động tại Việt Nam, chuyển lãi về công ty mẹ.
Khách mua sắm tại Lotte Mart quận 7, TP HCM - một trong những trung tâm hoạt động hiệu quả nhất của Lotte Mart Việt Nam. |
Điển hình như Metro Cash & Carry Việt Nam dù lỗ 89-160 tỉ đồng/năm trong 11 năm nhưng đã mở tổng cộng 19 kho trên cả nước và thu về thêm gần 900 triệu USD từ thương vụ sang nhượng lại hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cho đại gia Thái Lan. Cơ quan thuế của Việt Nam đã phát hiện Metro chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức. Số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải trả lại sau thanh tra là 335 tỉ đồng cộng với các khoản truy thu… tổng cộng 507 tỉ đồng. Người đến sau, Tập đoàn TCC, phải "gánh" khoản nợ thuế này để được thay chủ Đức điều hành hoạt động của Metro Cash & Carry (nay là MM Mega Market) tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng thực tế, DN bán lẻ ngoại có lỗ thật và cũng có khả năng chuyển giá. Lỗ do đầu tư, phát triển hệ thống, xây dựng thương hiệu… Lỗ từ chuyển giá là do hệ thống tài chính của các tập đoàn đa quốc gia luôn tìm cách giảm nộp thuế nhiều nhất có thể, đây là điều bình thường trong kinh doanh quốc tế. Vấn đề là ngành thuế Việt Nam có đủ mạnh để phát hiện, chứng minh DN chuyển giá, từ đó yêu cầu DN kê khai và nộp đúng giá. Tuy nhiên, cũng theo ông Hiển, không nên chỉ nhìn vào khoản báo lỗ của DN hay việc DN không nộp thuế thu nhập DN mà nên nhìn vào tổng số thuế DN nộp từ thu nhập cá nhân, thuế GTGT… cùng những đóng góp khác cho kinh tế - xã hội. "Nếu một DN đầu tư vào Việt Nam, kinh doanh đúng pháp luật, doanh thu lớn và đóng thuế đầy đủ thì nhà nước đã có lợi. Bên cạnh đó, cần ghi nhận những giá trị khác mà các nhà bán lẻ ngoại mang lại như chuẩn hóa mô hình kinh doanh hiện đại, tạo môi trường cạnh tranh, việc làm cho người lao động và lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng" - ông Hiển nêu quan điểm.
Xem thêm |