|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinacafe lỗ lũy kế hơn nghìn tỷ đồng

15:15 | 28/06/2024
Chia sẻ
Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) tuy có lãi trong năm 2023 nhưng không đủ bù đắp cho khoản lỗ lũy kế hơn 1.090 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vinacafe cho thấy, doanh thu đạt gần 2.100 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022. Công ty có nguồn thu từ cà phê, lúa gạo và cao su, trong đó chính yếu vẫn là cà phê.

Năm ngoái, tổng diện tích cây trồng tăng 9% lên khoảng 12.458 ha, cho sản lượng tăng nhẹ lên hơn 29.600 tấn. Suốt cả năm, Vinacafe không phát sinh thêm hợp đồng xuất khẩu mới mà chỉ tập trung giao hàng cho hợp đồng của những năm trước. Họ bán ra nước ngoài khoảng 615 tấn, tương đương 1,08 triệu USD. Hai chỉ tiêu trên chỉ đạt 8% so với cùng kỳ năm trước đó. Còn lại, công ty bán được gần 5.650 tấn cho thị trường trong nước.

Nhờ giá vốn tăng chậm hơn doanh thu, Vinacafe lãi gộp hơn 259 tỷ đồng, tăng 70%. Công ty cũng tiết giảm được nhóm chi phí cố định gồm bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Tổng lại, Vinacafe lãi hơn 9 tỷ đồng. Đây là lần đầu doanh nghiệp này báo lãi từ khi công bố thông tin vào năm 2021. Hai năm trước đó, lợi nhuận đều âm hàng trăm tỷ đồng.

Tuy đã có lãi, Vinacafe vẫn đang ghi nhận hơn 1.090 tỷ đồng lỗ lũy kế. Con số này lớn gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vinacafe cho biết đang trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Song song đó, vườn cây cà phê kinh doanh hơn 25 năm nên đã già cỗi, năng suất và chất lượng vườn cấy thấp. Ngoài ra, năm ngoái tình trạng khô hạn kéo dài làm tăng chi phí tưới tiêu. Tình hình giá vật tư, phân bón, xăng dầu cũng tăng cao.

Tổng công ty Cà phê Việt Nam thành lập năm 1995 trên cơ sở chuyển từ Liên hiệp các xí nghiệp cà phê. Đến năm 2010, doanh nghiệp này chuyển sang loại hình công ty TNHH MTV do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đại diện sở hữu 100% vốn. Công ty có 46 đơn vị thành viên, hơn 24.200 lao động. Trong đó, 6 công ty con đang kinh doanh thua lỗ, tạo gánh nặng trực tiếp cho kết quả tài chính hợp nhất.

Trước đây, Vinacafe từng sở hữu công ty thành viên rất nổi tiếng và có thị phần lớn về cà phê hòa tan là Vinacafé Biên Hòa với tỷ lệ 51% cổ phần. Sau nhiều lần thoái vốn, công ty con này về nhà chung với Tập đoàn Masan. Trước khi đổi chủ, Vinacafé Biên Hòa từng tranh chấp với Vinacafe về tên gọi thương hiệu vì cách đọc giống nhau, chỉ khác ở cách viết.

 

Tất Đạt