|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

WiGroup: Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư mở rộng, kì vọng 'bắt đáy' kinh tế

08:24 | 28/06/2024
Chia sẻ
Thống kê từ WiGroup cho thấy ngành nguyên vật liệu, năng lượng và dịch vụ tiện ích cùng nhóm ngành hàng không và dệt may ghi nhận sự phục hồi trong hoạt động đầu tư sau giai đoạn sụt giảm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng trưởng 8,87% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp Việt Nam. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) cũng ổn định ở mức 50,3, cho thấy sự mở rộng nhẹ trong hoạt động sản xuất. Những dấu hiệu này mang lại niềm tin về sự phục hồi của nền kinh tế sau hai năm 2022-2023 đầy khó khăn. Các hoạt động đầu tư mở rộng của doanh nghiệp đang được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Liệu thực sự có sự mở rộng sản xuất kinh doanh?

Tài sản cố định và tài sản dở dang của các doanh nghiệp niêm yết là chỉ số quan trọng phản ánh năng lực sản xuất kinh doanh hiện tại và các dự án kế hoạch mở rộng trong tương lai của doanh nghiệp.

Ngành nguyên vật liệu

Theo thống kê của Wiresearch, Ngành nguyên vật liệu đã trải qua hai năm liên tiếp sụt giảm tài sản cố định từ 238.760 tỷ đồng (quý I/2022) xuống còn 224.860 tỷ đồng (quý "I/2024). Điều này có thể lý giải trong thời gian kinh tế khó khăn, nhu cầu yếu nên các doanh nghiệp hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất và lùi thời gian triển khai các dự án lớn.

Tuy nhiên, từ quý I/2024 đang có chuyển biến tích cực, giá trị tài sản dở dang đã tăng lên mức cao nhất trong vòng ba năm qua, đạt 82.100 tỷ đồng, thể hiện sự chuẩn bị mở rộng công suất của toàn ngành. Tiêu biểu trong đó có 30.113 tỷ từ dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát, dự án đã hoàn thành trên 50% các hạng mục và dự kiến đi vào hoạt động toàn bộ vào quý IV/2025.

Ngành năng lượng và dịch vụ tiện ích

Ngành năng lượng và dịch vụ tiện ích cũng chứng kiến sự sụt giảm tài sản cố định, hiện có 232.360 tỷ đồng (quý I/2024), giảm 33.620 tỷ so với ba năm trước, chủ yếu do sự thiếu đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, điểm sáng từ năm 2024 ngành cũng ghi nhận 22.170 tỷ đồng tài sản dở dang là các dự án mở rộng mới.

Tiêu biểu nhất là dự án điện khí Nhơn Trạch 3,4 của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (Mã: POW) dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII được Chính phủ phê duyệt. POW đang triển khai dự án rất nhanh và dự kiến chạy thử nhà máy Nhơn Trạch 3,4 vào tháng 10/2024 và tháng 4/2025.

Ngành hàng không và dệt may

Ngành hàng không và dệt may cũng đang chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ vào các dự án mới. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) dự kiến đầu tư 120.000 tỷ đồng cho ba dự án trọng điểm là T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài và đặc biệt là sân bay Long Thành (dự kiến hoàn thành tháng 9/2026).

Ngành dệt may, mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu, nhưng CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) đã đầu tư mạnh vào dự án nhà máy Unitex giai đoạn 2, tăng 60% công suất hiện hữu và dự kiến chạy thử từ tháng 7/2024.

Tâm thế mới của doanh nghiệp

Có thể thấy các doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn thận trọng và hạn chế mở rộng kinh doanh trong giai đoạn 2021 - 2023. Nhưng từ 2024 các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư mới, nâng công suất để đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, của nhu cầu các thị trường quốc tế và tận dụng sự hỗ trợ của nguồn vốn lãi suất thấp.

 

Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5%, đồng thời nhấn mạnh chính sách tiền tệ linh hoạt và giảm lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt cho giai đoạn phục hồi kinh tế sẽ có cơ hội tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, chiếm lĩnh thị phần.

Tuy nhiên, không ít thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tình hình xuất khẩu của các mặt hàng trọng điểm vẫn chưa tích cực. Dựa trên dữ liệu 12 tháng qua, các mặt hàng xuất khẩu quan trọng đều gặp khó khăn:

- Hàng Dệt,May: Giảm 4,17% so với cùng kỳ.

- Hàng Giày Dép: Giảm 7,51% so với cùng kỳ.

- Hàng Thủy Sản: Giảm 4,85% so với cùng kỳ.

- Mặt Hàng Gỗ: Tăng nhẹ 5,15%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn ổn định trước đây.

 

Tình trạng lạm phát cao kéo dài trên thế giới ảnh hưởng đến sức cầu tiêu dùng và tốc độ phục hồi xuất khẩu của Việt Nam còn chậm. Những yếu tố này đặt ra nhiều lo ngại có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng lâu dài của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi tình hình đang dần được cải thiện qua từng tháng. Có khả năng các tháng cuối năm 2024 sẽ chứng kiến tăng trưởng dương trở lại ở các ngành hàng xuất nhập khẩu trọng điểm.

Đối với giới đầu tư, năm 2024 mở ra nhiều cơ hội từ cổ phiếu của các doanh nghiệp hội tụ các yếu tố nhu cầu thị trường phục hồi từ “đáy” và doanh nghiệp nâng công suất.

Trương Đắc Nguyên, Lê Văn Anh