|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

HPG, DBC, DHG, PVT,... kỳ vọng tăng lợi nhuận nhờ mở rộng công suất

16:45 | 22/05/2024
Chia sẻ
Agriseco chỉ ra ngành vận tải, ngành kim loại, ngành dược phẩm là các nhóm ngành được kỳ vọng có câu chuyện tăng trưởng từ việc mở rộng quy mô trong năm nay.

Báo cáo của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết trong các năm gần đây, giá trị nguyên giá tài sản cố định của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng ổn định với CAGR đạt khoảng 5% cho giai đoạn 2019 - 2023.

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng giá trị nguyên giá tài sản cố định các doanh nghiệp trên cả ba sàn đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% từ đầu năm và cao hơn gần 5% so với cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, tài sản xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng lên, đây là khoản mục sau khi hoàn thành có thể được kết chuyển sang tài sản cố định giúp doanh nghiệp gia tăng công suất và quy mô hoạt động.

Tính đến thời điểm cuối quý I, tổng giá trị tài sản xây dựng cơ bản dở dang tăng trưởng 10,6% so với cuối năm 2022.

Trong đó, một số ngành có tài sản xây dựng cơ bản dở dang tăng lên bao gồm ngành vận tải (tăng 67% so với cuối năm 2022); ngành kim loại (tăng 56% so với cuối năm 2022); ngành dược phẩm (tăng 19% so với cuối năm 2022). Đây là các nhóm ngành được kỳ vọng có câu chuyện tăng trưởng từ việc mở rộng quy mô trong năm nay, báo cáo của Agriseco chỉ ra.

Hoà Phát kỳ vọng doanh thu tăng gấp rưỡi nhờ dự án Dung Quất 2

Doanh nghiệp đứng đầu thị phần thép xây dựng trong nước là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) ghi nhận đại dự án Dung Quất giai đoạn 2 vẫn đang được triển khai và dự kiến hoàn thành lò cao đầu tiên vào cuối năm 2024 với công suất khoảng 2,8 triệu tấn/năm.

Doanh nghiệp cho rằng lò này có thể sản xuất từ 2-2,5 triệu tấn thép trong năm 2025 và kỳ vọng có thể vận hành tối đa công suất trong năm 2026 với 5,6 triệu tấn/năm.

 Ảnh: Hoà Phát.

Ngoài ra, HPG có thể hoàn thành và đưa nhà máy sản xuất container vào vận hành trong năm 2024 với công suất 500.000 TEUs/năm. Trong đó, giai đoạn 1 với công suất 200.000 TEUs/năm đã hoàn thành và đưa vào vận hành.

Dự án Dung Quất giai đoạn 2 sau khi hoàn thành có thể đóng góp lên tới 80.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho doanh nghiệp, tương ứng mức tăng doanh thu khoảng 50-60% so với trước đó.

Agriseco đánh giá năm 2024 của HPG kỳ vọng tích cực nhờ nhu cầu phục hồi và 1 lò cao của dự án Dung Quất giai đoạn 2 có thể đi vào vận hành từ cuối năm 2024.

 

Nhanh thì cuối năm nay Hoà Phát có thể sản xuất HRC, chậm thì quý I/2025. Ban đầu tập đoàn sẽ mất thời gian chạy thử. Năm 2025, ước tính có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC ở Dung Quất 2 cộng với 3 triệu tấn ở Dung Quất 1.

Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn. Với giá bán hiện nay (600 USD/tấn) thì tập đoàn sẽ có thêm 70.000 tỷ cộng tới doanh thu hiện tại thì tổng doanh thu tập đoàn có thể đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoà Phát thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 11/4

Dabaco kỳ vọng nhiều ở nhà máy vắc xin, mở rộng trang trại

Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi là CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC), Agriseco thông tin Dabaco đã đầu tư tăng công suất với các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Dự án chăn nuôi Thanh Hóa (công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm); Dự án lợn giống Phú Thọ - giai đoạn 3 (công suất: 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm).

Ngoài ra, Dabaco cũng đang đầu tư nhà máy ép dầu giai đoạn 2 và dần hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc xin Dacovac với công suất 200 triệu liều/năm. Hiện nhà máy vắc xin đang phấn đấu hoàn tất kiểm nghiệm vào cuối tháng 5 tới đây và tiến hành đánh giá GMP, hướng tới việc thương mại hoá trong quý II hoặc quý III năm nay.

 Hệ thống chuồng chăn nuôi lợn của Tập đoàn Dabaco. (Ảnh: Dabaco).

Đơn vị phân tích này đánh giá việc Dabaco gia tăng công suất phù hợp với xu thế dịch chuyển trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Cụ thể, Luật Chăn nuôi 2020 cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Như vậy, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời. Qua đó thúc đẩy xu hướng thị phần từ nhỏ lẻ chuyển sang các doanh nghiệp lớn hoàn thiện chuỗi giá trị.

Với mảng vắc xin, Agriseco nhìn nhận tích cực khi hiện tại mới chỉ có Việt Nam sản xuất được loại vắc xin này. Nếu thành công, vắc xin sẽ trở thành một mảng kinh doanh mới đóng góp đáng kể vào cơ cấu doanh thu của Dabaco.

Triển vọng lợi nhuận tích cực của Dabaco còn đến từ diễn biến giá lợn và giá thức ăn chăn nuôi thay đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, giá lợn đã tăng lên 64.000- 65.000/kg (tăng 30% từ đầu năm) trong khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sụt giảm.

Hai ông lớn ngành dược kỳ vọng tăng doanh thu nhờ mở rộng nhà máy

Đại diện một doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trong ngành dược phẩm là CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) đang đầu tư mở rộng thêm nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng giúp tăng công suất của doanh nghiệp thêm 25% so với trước đó. Nhà máy này dự kiến vận hành từ quý IV/2024.

Agriseco cho rằng với việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP, Dược Hậu Giang sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1 - 2 tại kênh ETC (đấu thầu bệnh viện). Hiện nay doanh thu kênh ETC của Dược Hậu Giang đang chiếm khoảng 11% và có xu hướng gia tăng.

Một đơn vị dược khác là CTCP Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT) có dự án Nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng mức đầu tư là 1.350 tỷ đồng. Nhà máy đạt chuẩn EU – GMP, sản xuất thuốc tân dược (thuốc tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường) với công suất 2 tỷ sản phẩm/năm, dự kiến đi vào hoạt động một phần từ năm 2024.

Theo ban lãnh đạo, nhà máy khi vận hành toàn bộ có thể đem lại 1.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho DHT, tăng khoảng 50% so với trước đó. Với nhà máy mới đạt chuẩn EU – GMP, DHT có thể tập trung vào nhóm thuốc tân dược và đẩy mạnh doanh thu từ kênh ETC còn nhiều tiềm năng.

Lợi nhuận PVTrans có thể tăng 30-40% nhờ loạt tàu mới

Năm 2023, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng nhằm gia tăng và trẻ hóa đội tàu, cao gấp 2,5 lần so với tổng mức đầu tư của năm 2022.

Trong năm 2023, PVT đã đưa vào hoạt động 12 tàu mới, trong đó mua mới 7 tàu và thuê 5 tàu. Qua đó, PVT đã tăng công suất ròng thêm 377.000 DWT lên 1,6 triệu DWT (tăng 32%).

Trong năm 2024, PVT dự kiến đầu tư thêm 21 tàu mới với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD (khoảng 12.300 tỷ đồng), bao gồm 13 tàu chở dầu, hoá chất, 4 tàu chở dầu khí hoá lỏng (LPG) và 4 tàu chở hàng rời.

 Ảnh: PVTrans.

Đơn vị phân tích dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 của PVT đến từ 12 tàu mới được đưa vào hoạt động trong năm 2023, trong đó chủ yếu tập trung vào giai đoạn nửa cuối năm. Dự kiến lợi nhuận của PVT có thể tăng tương ứng từ 30-40% trong năm 2024.

Ngoài ra, thị trường vận tải dầu cũng đang thuận lợi khi bất ổn địa chính trị leo thang sẽ làm thay đổi đáng kể hải trình của các tuyến từ đó khiến giá cước vận tải dầu khí duy trì ở mức cao một cách bền vững. Ngoài ra, trong khi hải trình các tuyến vận tải dầu đang ngày càng xa hơn thì nguồn cung đội tàu toàn cầu đang chững lại do đầu tư tàu mới giảm mạnh trong vài năm qua.

DRC, MSH đón sóng xuất khẩu nhờ đà phục hồi của thị trường

CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) từ tháng 12/2023, giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial đã chính thức được đưa vào vận hành và có thể hoạt động tối đa công suất vào quý II/2024, đưa công suất lốp Radial tăng lên 1 triệu lốp/năm, tương ứng mức tăng 67% so với trước đó. Theo doanh nghiệp, nhà máy mới có thể hoạt động vượt quá công suất thiết kế, đạt 1,2 triệu lốp/năm.

Công ty chứng khoán đánh giá việc đưa nhà máy lốp xe Radial đưa vào vận hành giúp DRC đón đầu được sự phục hồi về nhu cầu trong năm 2024, đặc biệt tại hai thị trường xuất khẩu chính là Brazil và Mỹ khi hai thị trường này vẫn đang áp thuế chống bán phá giá với lốp xe Trung Quốc.

Ngoài ra, vào cuối năm 2023, đơn khởi kiện được đệ trình về hành vi bán phá giá của hãng lốp Thái Lan tại thị trường Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá với lốp Thái Lan tương tự như đã làm với Trung Quốc vào năm 2019, DRC sẽ có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu sang thị trường này.

 Ảnh: DRC.

Tháng 11/2023, CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) đã khởi công xây dựng nhà máy Xuân Trường II với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ giữa năm 2024.

Với khoảng 50 chuyền may sản xuất sản phẩm áo jacket, MSH có thể gia tăng công suất thêm khoảng 25% so với trước đó.

Với nhà máy mới, quy mô lao động của MSH sẽ tăng lên từ gần 12.000 lao động lên thành 15.000 lao động. Ngoài ra, Nhà máy Sông Hồng 10 hiện mới đang hoạt động với hiệu suất khoảng 50% và có thể tiếp tục cải thiện trong năm 2024 khi các đơn hàng xuất khẩu phục hồi.

Agriseco nhìn nhận triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 của MSH tích cực khi ngành dệt may được đánh giá sẽ phục hồi.

Trong quý I, các tín hiệu khởi sắc từ các thị trường xuất khẩu đã dần xuất hiện. Các đối tác chính như Walmart, Nike,... cũng đang bắt đầu gia tăng đơn hàng hướng đến mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Việc mở rộng nhà máy sẽ giúp MSH tăng cường lợi thế cạnh tranh với các đơn hàng FOB có giá trị gia tăng cao hơn.

Một công ty ngành giấy cũng kỳ vọng tăng trưởng nhờ mở rộng nhà máy là CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (Mã: HHP).

Triển vọng tăng trưởng của HHP đến từ dự án nhà máy sản sản xuất giấy Hoàng Hà tại Hải Phòng với công suất 100.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.240 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần công suất của hai nhà máy cũ). Nhà máy hiện đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm từ 22/12/2023.

Bộ phận phân tích của Agriseco đánh giá dự án sau khi đưa vào vận hành có thể đông góp lớn vào kết quả kinh doanh của HHP với quy mô công suất tăng gấp hơn 3 lần trước đó.

Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence Inc, triển vọng ngành giấy và bao bì ở Việt Nam vẫn tích cực với tốc độ tăng trưởng duy trì hàng năm ở mức cao khoảng 10%/năm cho giai đoạn 2024-2029.

Xu hướng tăng trưởng được hỗ trợ bởi tăng trưởng của ngành thương mại điện tử và tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Hoàng Kiều