|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinafood 2 lãi chục tỷ năm 2020, Vinacafe lỗ gần 26 tỷ đồng

11:03 | 04/01/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo mới được công bố, Vinafood 2 còn lỗ lũy kế 2.244 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2020. Vinacafe lỗ 25,6 tỷ đồng năm 2020 nhưng đã giảm so với số lỗ năm 2019.

Ngày 23/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Nguyễn Ngọc Cảnh đã có buổi làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2 - Mã: VSF) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và công tác cơ cấu lại, sắp xếp doanh nghiệp năm 2021.

Vinafood 2 lỗ lũy kế hơn 2.200 tỷ đồng

Về Vinafood 2, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinafood 2 cho biết, doanh thu gộp năm 2020 là 11.880 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 10 tỷ đồng.

Các ngành hàng thực phẩm chế biến, nước khoáng, xăng dầu sản lượng bán ra gần đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch lần lượt là 130%, 106% và 98%.

Vinafood 2 lỗ lũy kế hơn 2.200 tỷ đồng - Ảnh 1.

Vinafood 2 lỗ lũy kế hơn 2.200 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2020. (Ảnh: Người đưa tin).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 được diễn ra ngày 26/12, HĐQT Vinafood 2 đã thông qua kế hoạch năm 2020 với tổng doanh thu 11.880 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện đã báo cáo với CMSC.

Năm 2021, Vinafood 2 được đề nghị rà soát kỹ lưỡng lại về giá vốn mua hàng của từng đơn vị trực thuộc của công ty mẹ trong công tác xác định giá vốn 2021. 

Ngoài ra, Vinafood 2 cần xem xét kỹ lưỡng lại các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí môi giới bán hàng, đặc biệt chi phí hoa hồng môi giới theo đúng quy định của nhà nước; tiết kiệm triệt để chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ngay cuối năm 2020, công ty đã công bố báo cáo tài chính riêng quý III và 9 tháng đầu năm 2020 với doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm là 7.382 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kì. Trong khi đó, tổng công ty đang lỗ sau thuế 216 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kì năm 2019.

Theo công ty, năm 2020 có chính sách nhập khẩu gạo của các nước nhiều thay đổi theo khuynh hướng tự do hóa thương mại, gia tăng các rào cản để bảo hộ sản xuất, cạnh tranh gay gắt. Đồng thời Chính phủ cho tạm ngưng xuất khẩu gạo do dịch COVID-19 dẫn đến giảm sản lượng bán của công ty.

Theo báo cáo, Vinafood 2 lỗ lũy kế 2.244 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2020.

Mức lỗ của Vinacafe đã giảm so với năm 2019

Ông Phan Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacafe báo cáo, năm 2020, doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 1.940 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 55,8 tỉ đồng. Kết quả sản xuất kinh doanh lỗ 25,6 tỷ đồng.

Năm 2020, Vinacafe đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.983 tỷ đồng, lợi nhuận 15 tỷ đồng. Như vậy, năm vừa qua, công ty mới thực hiện được 65% chỉ tiêu doanh thu.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của riêng công ty mẹ đã giảm dần từ năm 2017 - 2019, đỉnh điểm 2019, công ty mẹ lỗ 294 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhận định, các chỉ tiêu về tài chính, sản xuất kinh doanh cơ bản của Vinacafe đều chưa đạt so với kế hoạch đề ra nhưng số lỗ đã giảm so với năm 2019.

Ông Cảnh cho biết, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm cho giá cà phê thế giới giảm sâu, dẫn đến việc Vinacafe luôn chịu sức ép giá bán thấp hơn so với giá thành sản xuất.

Cho mục tiêu năm 2021, Phó Chủ tịch CMSC đề nghị tổng công ty cần báo cáo cụ thể cơ sở xây dựng, trong đó làm rõ dự báo về xu hướng, giá cà phê thế giới năm 2021. 

Ngoài ra, cần làm rõ sản lượng thu khoán năm 2021, các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp làm căn cứ xác định hiệu quả sản xuất, kinh doanh năm 2021.

Song song đó, Vinacafe cần xem xét tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ủy ban và xây dựng các chỉ tiêu cơ bản kế hoạch năm 2021 có sự tăng trưởng so với năm 2020. Bên cạnh đó, ông Cảnh cũng đề nghị Vinacafe khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, sắp xếp Tổng công ty.

Minh Hằng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.