|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bất chấp giá dầu lao dốc, OPEC vẫn tăng sản lượng trong tháng 1/2022

22:23 | 02/12/2021
Chia sẻ
Kết thúc cuộc họp hôm nay (ngày 2/12), OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch sản lượng cho tháng 1 năm sau, bất chấp lo ngại về việc Mỹ giải phóng dự trữ dầu thô và biến chủng Omicron lây lan trên toàn cầu khiến giá dầu giảm mạnh.

Theo đưa tin từ Reuters, tại phiên họp chính sách ngày 2/12, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng hiện tại. Theo đó, OPEC+ sẽ bơm thêm 400.000 thùng dầu thô/ngày ra thị trường trong tháng 1 năm sau.

Sau khi thỏa thuận được công bố, giá dầu Brent đã giảm hơn 1 USD xuống còn khoảng 68 USD/thùng, tụt xa khỏi mức đỉnh ba năm (hơn 86 USD/thùng) xác lập hồi tháng 10 năm nay.

Trong tháng 11, OPEC+ đã khước từ lời đề nghị của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc bơm thêm dầu thô ra thị trường để giúp hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Liên minh này lo sợ tình trạng dư cung có thể đe dọa triển vọng phục hồi còn rất mong manh của ngành công nghiệp năng lượng.

Trước cuộc họp hôm nay, các nguồn thạo tin của Reuters cho biết những bất ổn xoay quanh siêu biến chủng Omicron đã khiến OPEC+ phải cân nhắc tạm dừng kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 1 hoặc chỉ nâng sản lượng ở mức khiêm tốn hơn.

Bất chấp giá dầu lao dốc, OPEC vẫn tăng sản lượng trong tháng 1/2022 - Ảnh 1.

Bất chấp giá dầu lao dốc, OPEC vẫn tăng sản lượng trong tháng 1/2022. (Ảnh minh họa: AP).

Ngay cả trước khi Omicron xuất hiện, OPEC+ đã cân nhắc tác động từ việc Mỹ và các khách hàng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh và Trung Quốc xả kho dầu thô dự trữ để điều chỉnh giá nhiên liệu.

Nếu quyết định hạ mức tăng sản lượng hoặc tạm ngừng cung ứng dầu thô ra thị trường, OPEC+ có thể đối đầu trực diện với Washington, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và thủ lĩnh OPEC là Arab Saudi đang không mấy êm đẹp.

Trong một báo cáo công bố trước cuộc họp, các chuyên gia của OPEC+ nhận thấy ảnh hưởng của biến chủng Omicron đến thị trường vẫn chưa rõ ràng, dù nhiều nước đã tái áp dụng phong tỏa cũng như các biện pháp hạn chế khác.

Ở diễn biến khác, chính quyền của ông Biden có thể sẽ điều chỉnh thời điểm giải phóng dầu thô dự trữ nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ David Turk cho hay hôm 1/12.

Năm ngoái, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, để ứng phó với cú sốc mà đại dịch COVID-19 gây ra. Con số đó hiện đã thu hẹp còn khoảng 3,8 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, OPEC+ thường xuyên không hoàn thành mục tiêu sản lượng. Trong hai tháng 9 và 10 năm nay, các nước thành viên bơm ít hơn hạn ngạch cho phép tổng cộng 700.000 thùng/ngày, dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra.

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.