Chẳng ai phiền não bằng OPEC+ khi giá dầu tụt dần khỏi mốc 80 USD/thùng
Một ngày đen tối của dầu thô
Một ngày nọ (mà cụ thể là thứ Sáu tuần trước), giá dầu thô lao dốc hơn 12% sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố thông tin về một biến chủng mới, nghi có khả năng lây lan mạnh hơn Delta, biến chủng đã hoành hành trong nhiều tháng qua.
Trong chưa đầy 24 giờ, giá dầu Brent tụt mạnh từ hơn 80 USD/thùng xuống còn khoảng 72 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm còn 68 USD/thùng. Cú sốc trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington tuyên bố xả kho dự trữ 50 triệu thùng dầu, nhưng thời điểm đó giá dầu lại tăng chứ không hề giảm.
Sang phiên 29/11, khi nhà đầu tư bớt lo ngại về biến chủng Omicron, thị trường dầu mỏ bắt đầu phục hồi, giá dầu Brent leo lên hơn 76 USD/thùng và WTI quay về mức hơn 71 USD/thùng.
Tuy nhiên, sau khi ông Stéphane Bancel, CEO hãng dược Moderna, cảnh báo các vắc xin hiện có có thể không đủ hiệu quả phòng ngừa với biến chủng Omicron, giá dầu lại quay đầu giảm.
Chia sẻ với Financial Times, ông Rory Johnston - quản lý cấp cao của công ty nghiên cứu Price Street, cho biết: "Liệu biến chủng mới có phải mối đe dọa thực sự đối với nhu cầu dầu thô hay không vẫn còn là một câu hỏi mở… Các nhà đầu tư không thể chờ đợi để tìm câu trả lời, cứ phải bán xả hàng trước".
Hai điều đáng suy ngẫm
Trong bối cảnh giá dầu Brent lên xuống thất thường quanh mốc 72 USD/thùng, các chuyên gia đồn đoán khả năng cao là OPEC+ sẽ tạm ngưng kế hoạch tăng sản lượng trong các tháng đầu năm 2022 để hỗ trợ giá.
Trên thực tế, OPEC+ hiện có ít nhất hai lý do chính đáng để hạn chế bơm dầu ra thị trường. Trước hết, liên minh này rõ ràng không hề hoan nghênh việc Mỹ giải phóng kho dầu thô dự trữ, ngược lại còn đe dọa sẽ đáp trả chính quyền Tổng thống Biden.
Truyền thông dẫn các nguồn thạo tin cho biết, ngay sau khi Mỹ thông báo xả kho dầu thô, Arab Saudi và Nga - hai thủ lĩnh của OPEC+, đã cân nhắc tạm ngưng chính sách sản lượng hiện tại, dù các nước khác như UAE khẳng định không có lý do gì phải thay đổi chiến lược.
Sau phiên giảm sốc hôm 26/11, quan điểm của một số thành viên có thể đã thay đổi. Cơ quan cố vấn của OPEC+ cảnh báo rằng động thái giải phóng kho dự trữ của Mỹ và các đối tác có thể khiến thặng dư dầu thô toàn cầu tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong tháng 1 và tháng 2/2022.
Giả sử tổng lượng xả kho của Mỹ và các đồng minh rơi vào khoảng 66 triệu thùng, cơ quan cố vấn của OPEC+ ước tính lượng dầu thô dư thừa trên thế giới sẽ tăng lên khoảng 2,3 triệu thùng vào tháng 1 năm tới và sau đó leo lên 3,7 triệu thùng trong tháng 2.
Cùng với nỗi sợ về biến chủng Omicron, OPEC+ dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài "khóa vòi". Thậm chí, một số chuyên gia nhận định liên minh dầu mỏ có thể siết sản lượng mạnh tay hơn chứ không chỉ là rút lại 400.000 thùng dầu bổ sung mỗi ngày.
Một OPEC+ đầy vướng bận
Chiến lược gia Helima Croft tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets cho hay: "Theo tôi, khi OPEC+ bước vào cuộc họp quan trọng vào ngày 2/12, nhà đầu tư sẽ băn khoăn liệu các nước thành viên chỉ tạm dừng kế hoạch sản xuất hiện tại hay còn có thể giảm sản lượng vì lo ngại biến chủng mới và thông báo xả kho dự trữ của Mỹ".
"Thị trường có thể tiếp nhận thêm rất nhiều dầu thô, song nhà đầu tư lại đang e ngại về các biện pháp phong tỏa có thể áp dụng trong nay mai. Còn quá sớm để kết luận liệu chính phủ các nước có kích hoạt những chính sách chống dịch nghiêm ngặt hơn hay không, nhưng nỗi lo của nhà đầu tư là có thật", vị chiến lược gia nhấn mạnh.
Đầu tuần trước, một nhà phân tích của hãng tư vấn Rystad Energy đã mô tả tình hình hiện tại như "một cuộc chiến giá dầu mới và chưa từng có", khi người tiêu dùng đối đầu nhà cung ứng.
Một số chuyên gia khác cho rằng dù Mỹ sắp xả kho rất nhiều dầu thô, OPEC+ vẫn là bên nắm thế thượng phong, vì liên minh này đang kiểm soát phần lớn nguồn cung trên thị trường nên có thể dễ dàng khóa hoặc mở vòi.
Ông John Kilduff, nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn Again Capital, dự đoán OPEC+ sẽ hành động nếu giá dầu WTI giảm xuống dưới 70 USD/thùng.
"Chắc chắn, OPEC và Arab Saudi có thể giành chiến thắng vì họ đang chiếm lợi thế. Lượng dầu thô mà liên minh này có thể rút khỏi thị trường dĩ nhiên cao hơn lượng xả kho của Mỹ", ông Kilduff lập luận.
Nếu OPEC+ phản ứng như dự tính của nhà phân tích Kilduff, thị trường có thể không mấy bất ngờ. Theo các báo cáo mới nhất, biến chủng Omicron đã xuất hiện tại tất cả châu lục trên thế giới, đặc biệt là châu Âu - một khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn của OPEC+. Khi tình hình dịch bệnh xấu đi, nhu cầu dầu thô ắt hẳn sẽ bị ảnh hưởng.