Mặc giá dầu giảm, Mỹ vẫn giải phóng kho dự trữ dầu thô và thậm chí có thể xả thêm
Mỹ không từ bỏ kế hoạch
Chia sẻ với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm 29/11, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không xem xét lại quyết định giải phóng kho dự trữ dầu thô".
Bình luận mới nhất của bà Psaki được đưa ra trong bối cảnh OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) sắp nhóm họp để vạch ra hướng ứng phó với siêu biến chủng Omicron, Bloomberg thông tin.
Trong khi liên minh dầu mỏ chưa phát tín hiệu chính thức nào, các chuyên gia dự đoán nhiều khả năng OPEC+ sẽ tạm hoãn kế hoạch tăng sản lượng hiện tại để đối phó với đợt giảm giá dầu thô mạnh nhất trong một năm qua.
Cùng ngày 29/11, ông Amos Hochstein - cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định Washington thậm chí có thể giải phóng thêm dầu thô dự trữ nếu cần thiết. "Chắc chắn chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp này nếu cần. Đây là một công cụ sẵn có của nước Mỹ", ông Hochstein nhấn mạnh.
"Hãy nhớ rằng, chúng tôi không xả 50 triệu thùng dầu. Trên thực tế, 30 triệu thùng sẽ được trao đổi với các doanh nghiệp và thương nhân. Họ có thể lấy dầu ngay bây giờ và trả lại trong tương lai. Điều đó đồng nghĩa rằng kho dự trữ của Mỹ sẽ được lấp đầy trở lại", vị cố vấn cấp cao lưu ý.
"Do đó, chúng tôi có thể linh hoạt sử dụng biện pháp giải phóng dầu thô kho dự trữ nếu việc làm này là cần thiết cho nền kinh tế Mỹ. Tôi nghĩ chính phủ muốn làm một điều gì đó tác động đáng kể tới thị trường…", ông Hochstein nói thêm.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo xả 50 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) như một phần trong nỗ lực phối hợp chưa từng có của các nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới để kìm chế giá nhiên liệu quá cao.
Các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Hàn Quốc đã nhất trí phối hợp cùng Mỹ. Riêng Trung Quốc thông báo sẽ xả kho dầu thô "dựa theo nhu cầu riêng", không rõ liệu động thái của Bắc Kinh có liên quan đến lời đề nghị của Washington hay không.
Phiên giảm điểm tồi tệ của dầu thô
Cuối tuần trước, thị trường năng lượng thế giới đã chứng kiến đợt lao dốc nghiêm trọng nhất trong một ngày kể từ tháng 4 năm ngoái khi giá dầu thô mất hơn 12%.
Trong phiên giao dịch ngày 29/11, giá dầu đã phục hồi trở lại. Kết phiên, giá dầu Brent giao sau nhích hơn 2,5% lên mức 74,6 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao sau tại Mỹ chạm ở mức 70,6 USD/thùng, tăng khoảng 3,6%.
Rất nhiều quốc gia đã thông báo hạn chế đi lại từ tuần trước sau khi có tin tức về biến chủng Omicron. Điều này khiến một số nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu nhiên liệu có thể đi xuống do các lệnh cấm biên, phong tỏa.
Cũng trong ngày 29/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Omicron gây ra rủi ro "rất cao" cho toàn thế giới, dù một bác sĩ người Nam Phi khẳng định biến chủng mới chỉ gây các triệu chứng nhẹ.
Trong vài ngày tới, WHO sẽ cử chuyên gia đến châu Phi để tìm hiểu thực địa nhằm xác định Omicron gây ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, điều trị và kháng vắc xin ra sao.
CNBC dẫn lời các nhà phân tích nhận định, việc giá dầu tăng trở lại là một dấu hiệu cho thấy cú lao dốc hồi cuối tuần trước có thể là phản ứng thái quá của thị trường, dù trên thực tế chưa rõ nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Cố vấn Hochstein của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ: "Chúng ta đang sống trong một giai đoạn phục hồi kinh tế rất mong manh, cho nên chúng ta cần phải xác định những yếu tố tiềm ẩn có thể đe dọa công cuộc phục hồi đó".
"Đó chính xác là những gì chúng ta đã thấy vào ngày 26/11. Giá dầu thô giảm sâu vì đà phục hồi của nền kinh tế còn rất mông lung", ông Hochstein nhấn mạnh.