|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nói quyết định xả kho dầu của ông Biden là chính sách tồi, hiến kế mới để hạ giá xăng

13:10 | 25/11/2021
Chia sẻ
Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Dan Brouillette chê trách quyết định xả kho dầu thô chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden là một "lựa chọn chính sách tồi". Tuy nhiên, ông vẫn vạch ra một số biện pháp dễ dàng mà Washington có thể tận dụng.

Xả kho dầu là lựa chọn chính sách tồi

Cuối ngày 23/11, Tổng thống Joe Biden chính thức thông báo Mỹ sẽ giải phóng khoảng 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược trong các tháng tới để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Ấn Độ cũng nhất trí xả thêm 5 triệu thùng từ kho dự trữ khẩn cấp và Anh đồng ý xuất kho khoảng 1,5 triệu thùng. Hôm 24/11, Trung Quốc cũng thông báo sắp giải phóng một lượng dầu thô nhất định, nhưng chưa thông báo thời điểm và khối lượng cụ thể.

Chia sẻ với CNBC, ông Dan Brouillette, Bộ trưởng Bộ Năng lượng dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhận xét: "Tôi nghĩ quyết định xả kho chiến lược của ông Biden là một lựa chọn chính sách tồi".

Kho dự trữ dầu thô chiến lược là tài sản an ninh quốc gia, có mục đích bảo vệ đất nước và công dân Mỹ khỏi tình trạng gián đoạn nguồn cung xăng dầu, chẳng hạn như trong các tình huống khẩn cấp, ông Brouillette giải thích.

Chê bai cách làm của ông Biden, Bộ trưởng Năng lượng của ông Trump hiến kế hạ giá xăng dầu - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette. (Ảnh: AP).

"Hiện tại, chúng ta không phải đang rơi vào tình huống khẩn cấp về nguồn cung dầu mỏ. Cái khẩn cấp duy nhất hiện nay là ông Biden đang đứng trước một mối nguy chính trị", ông Brouillette nhấn mạnh.

Theo ông Dan Broullette, chính quyền Tổng thống Biden đang lo sợ về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. "Chính trị là động lực thúc đẩy Biden xả kho dự trữ dầu thô", vị cựu bộ trưởng khẳng định.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, trung bình các nhà sản xuất dầu thô tại nền kinh tế lớn nhất thế giới bơm khoảng 11 triệu thùng dầu ra thị trường mỗi ngày.

"Tôi thật thất vọng với quyết định này. Đó là một sai lầm tai hại, kho dự trữ dầu thô đáng ra không được dùng cho những mục đích như thế", ông Brouillette bày tỏ.

Trong quá khứ, kho dự trữ chiến lược của Mỹ chỉ được sử dụng ba lần vào các năm 1991 dưới thời Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) trong Chiến tranh vùng Vịnh; năm 2005 dưới thời Tổng thống George W. Bush (Bush con) do ảnh hưởng của bão Katrina; và năm 2011 dưới thời Tổng thống Barack Obama, liên quan đến căng thẳng ở Libya.

Mỹ còn "vũ khí' gì để kiềm giá dầu?

Trong năm nay, giá dầu thô đã tăng hơn 50% khi mà các nền kinh tế trên khắp thế giới mở cửa trở lại và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi mạnh mẽ.

Hồi cuối tháng 10, Mỹ đã đề nghị liên minh OPEC+ bơm thêm dầu thô để giảm giá xăng dầu, nhưng cơ quan này khước từ. Hiện tại, OPEC+ vẫn giữ nguyên kế hoạch sản lượng cho tháng 12, chỉ bổ sung thêm 400.000 thùng dầu/ngày.

Cựu Bộ trưởng Dan Brouillette cho biết, việc Washington sử dụng kho dự trữ chiến lược để đáp trả OPEC+ là "một cách tiếp cận hoàn toàn sai lầm", trong khi Mỹ còn một số đòn bẩy khác có thể tận dụng.

Thay vì khai thác kho dự trữ, Mỹ có thể cho phép các dự án như đường ống dẫn dầu Keystone XL hoạt động trở lại. Keystone XL là đường ống dẫn dầu mỏ lớn giữa Mỹ và Canada, có thể vận chuyển khoảng 830.000 thùng dầu cát thô từ tỉnh Alberta (Canada) đến bang Nebraska (Mỹ) mỗi ngày.

Dự án trên đã chính thức bị hủy bỏ hồi tháng 6 năm nay, sau khi bị ông Biden thu hồi một giấy phép quan trọng.

Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Brouillette cho biết Washington cũng có thể cho phép doanh nghiệp khai thác dầu trở lại trên đất liên bang.

Theo CNBC, một trong những việc đầu tiên mà ông Biden làm khi vừa nhậm chức vào tháng 1 năm nay là ký một loạt lệnh hành pháp về biến đổi khí hậu, trong đó có quyết định tạm dừng các hợp đồng cho thuê đất công để khai thác dầu khí.

Cuối cùng, tăng sản lượng chính là cách hiệu quả hơn để tác động đến giá xăng dầu, ông Brouillette kiến nghị. Trong nhiều năm qua, Mỹ là một nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới và về cơ bản có thể gây ảnh hưởng đến giá dầu.

"Chúng ta từng có thể xuất xưởng 13 triệu thùng dầu/ngày, điều này đã giúp định hình thị trường trong 3 đến 4 năm. Theo tôi, chúng ta phải khai thác thêm dầu, thay vì sử dụng tài sản quốc gia như kho dự trữ chiến lược", cựu bộ trưởng của ông Trump nhấn mạnh.

Yên Khê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.