Trung Quốc sẽ xả kho dầu thô 'dựa trên nhu cầu riêng', chưa cam kết theo đề nghị của Mỹ
Trung Quốc chưa nói khi nào sẽ xả kho dầu
Tại cuộc họp báo ngày 24/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay: "Trung Quốc sẽ sắp xếp giải phóng kho dự trữ dầu thô dựa trên nhu cầu riêng, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết khác để ổn định thị trường và công bố thông tin kịp thời".
"Trung Quốc nhận thấy các nước tiêu thụ dầu thô lớn đang tiến tới xả kho dự trữ chiến lược để chống lại tình trạng bất ổn của thị trường. Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan, bao gồm các nước tiêu thụ cũng như sản xuất dầu thô.
Trung Quốc hy vọng có thể giúp thị trường dầu thô hoạt động ổn định trong dài hạn thông qua liên lạc và hợp tác", ông Triệu tiếp tục.
Trước đó, cục dự trữ nhà nước Trung Quốc đã thông báo họ đang chuẩn bị xả một lượng dầu thô ra thị trường. Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng Bắc Kinh có động thái tương tự, song các quan chức từ chối tiết lộ liệu việc này có liên quan đến lời đề nghị của Washington hay không.
Cuối ngày 23/11, chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch giải phóng 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược trong các tháng tới. Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ "sử dụng toàn quyền để hợp tác với các nước khác nhằm đảm bảo nguồn cung dầu thô ổn định khi nền kinh tế chung thoát khỏi đại dịch COVID-19".
Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã cam kết sẽ phối hợp cùng Mỹ để hạ nhiệt giá nhiên liệu. Cho đến nay, Ấn Độ nhất trí xả thêm 5 triệu thùng từ kho dự trữ khẩn cấp và Anh đã đồng ý xuất kho khoảng 1,5 triệu thùng.
Cũng trong ngày 24/11, Nhật Bản và Hàn Quốc đã xác nhận sẽ giải phóng dự trữ dầu thô. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda xác nhận nước này sẽ giải phóng vài triệu thùng từ kho dự trữ nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Một số nguồn tin cho rằng Nhật Bản có thể bơm ra thị trường khoảng 4,2 triệu thùng.
Như muối bỏ bể
Bất chấp màn phối hợp của Mỹ và các nước tiêu thụ dầu thô lớn, các chuyên gia phân tích hàng hóa nhận định động thái này không thể giúp hạ nhiệt giá xăng dầu vì lượng xả kho chỉ như "muối bỏ bể".
Chia sẻ với SCMP, ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại hãng tư vấn IG, lập luận: "Giá dầu Brent đã vượt ngưỡng kháng cự 80 USD/thùng, thị trường tin rằng việc xả kho dự trữ chiến lược là quá nhỏ để giảm bớt tình trạng mất cân bằng cung - cầu".
Tương tự, nhà phân tích Feng Xu của công ty dữ liệu hàng hóa Sublime China Information, nói thị trường đã đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm giải phóng đợt dự trữ dầu thô thứ hai, nhưng điều đó hầu như không thể giúp giảm giá nhiên liệu.
Ông Feng nói thêm, ở đợt hai, Trung Quốc có thể xả khoảng 7,38 triệu thùng dầu từ kho chứa Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang. Con số này tương đương lượng xả kho hồi tháng 9 năm nay.
Trong năm nay, trung bình thế giới tiêu thụ khoảng 97,53 triệu thùng dầu thô/ngày, tăng so với khoảng 92,42 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Năm 2022, con số dự kiến tăng lên 100,88 triệu thùng/ngày.
Nếu tính chung tổng lượng dầu thô mà Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh sắp xả kho, cao nhất là khoảng 80 triệu thùng. Theo kế hoạch, 6 nước này sẽ xả kho trong vài tháng, nên tính trung bình mỗi ngày không quá vài triệu thùng dầu. Nguồn cung bổ sung này quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế, nhiều khả năng sẽ không thể hạ nhiệt được giá xăng dầu.
Chưa kể, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã phát tín hiệu sẽ đáp trả hành động của Mỹ và các đồng minh. Theo kế hoạch sản xuất hiện tại, OPEC+ chỉ tăng sản lượng khiêm tốn khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12. Liên minh này sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 tới để thảo luận kế hoạch sản lượng cho tháng 1 năm 2022.
Ông Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cao cấp tại Swissquote, nhận định trong khi ông Biden đã thành công trong việc thuyết phục Trung Quốc và các nước khác để gây áp lực buộc OPEC bơm thêm dầu, liên minh dầu mỏ nhiều khả năng sẽ không tuân theo và thậm chí có thể cắt nguồn cung trong vài tuần.
"Rõ ràng, những thông tin như vậy không thể khiến OPEC e sợ, mà trái lại khiến họ tức tối và giận dữ. Tôi dự đoán tại cuộc họp tới, OPEC+ sẽ phản đòn và quyết định của họ sẽ tác động lâu dài đến thị trường chứ không chỉ trong một vài ngày hay vài tuần", ông Ozkardeskaya cảnh báo.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tin rằng Mỹ có thể làm được nhiều hơn để tăng sản lượng dầu thô. Tham gia vào một cuộc chiến căng thẳng không phải là chiến lược tốt nhất để giữ giá dầu ở mức phải chăng", vị chuyên gia tiếp tục.
Trong quá khứ, kho dự trữ chiến lược của Mỹ chỉ được sử dụng ba lần vào các năm 1991 dưới thời Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) trong Chiến tranh vùng Vịnh; năm 2005 dưới thời Tổng thống George W. Bush (Bush con) do ảnh hưởng của bão Katrina; và năm 2011 dưới thời Tổng thống Barack Obama, có liên quan đến căng thẳng ở Libya.
Năm 2008, nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính, giá xăng gần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush tăng nóng. Ông từng muốn xả kho dự trữ thêm lần nữa để hạ nhiệt giá xăng nhưng bất thành. Năm 2018, Tổng thống Donald Trump cũng có ý tưởng tương tự nhưng chưa thực hiện.