|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ có thể phản đòn Mỹ nhưng phải trả giá hơi đắt

08:33 | 24/11/2021
Chia sẻ
OPEC+ sẽ phải tạm ngừng tăng sản lượng trong ít nhất hai tháng để tránh tình trạng dư cung trên thị trường, sau khi Mỹ xả kho hàng chục triệu thùng dầu thô. Chiến lược gia dầu mỏ Julian Lee của Bloomberg nhận định, lựa chọn trên là không dễ dàng gì đối với OPEC+.

Hôm 23/11, Mỹ thông báo sẽ giải phóng khoảng 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược (SPR). Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden có thể đưa ra các hành động bổ sung nếu cần.

Ngoài ra, Ấn Độ sẽ bán thêm 5 triệu thùng từ kho dự trữ khẩn cấp và Anh xả thêm khoảng 1,5 triệu thùng dầu khác.

Chính phủ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đưa ra thông báo về việc bán dầu thô dự trữ trong vài ngày tới. Tổng mức xả kho của các nước này có thể nằm trong khoảng 10 triệu đến 20 triệu thùng.

Liên minh OPEC+ đã cảnh báo sẽ đáp trả động thái của Mỹ và các đồng minh bằng việc tạm ngừng kế hoạch tăng sản lượng cho các tháng đầu năm 2022, hoặc thậm chí là đảo ngược mức tăng mà tổ chức này thực hiện từ tháng 5 năm nay.

Dự kiến, các nước thành viên OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để thiết lập kế hoạch sản lượng cho tháng 1/2022.

Để thị trường không dư cung khi Mỹ và các nước tiêu thụ dầu thô lớn xả kho đến 60 triệu thùng dầu cho đến cuối tháng 3, OPEC+ sẽ phải từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong hai tháng 1 và 2 năm sau.

OPEC+ có thể phản đòn Mỹ nhưng phải trả giá hơi đắt - Ảnh 1.

OPEC+ có thể phản đòn Mỹ nhưng phải trả giá hơi đắt. (Ảnh minh họa: Reuters).

Chiến lược gia hàng hóa Julian Lee của Bloomberg nhận thấy, biện pháp trên không tạo ra mấy trở ngại cho một số thành viên OPEC+, đặc biệt là Angola, Nigeria và Malaysia vì ba nước này thậm chí còn chưa hoàn thành mục tiêu tăng sản lượng mà OPEC+ giao cho.

Song, kế hoạch phản đòn của liên minh dầu mỏ có thể giáng một đòn đau cho những thành viên khác như Nga. Thượng viện Nga dường như đang kỳ vọng có thể nhanh chóng khôi phục phần sản lượng bị buộc phải rút bớt hồi năm ngoái.

Gần đây, OPEC+ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự đoán rằng đến cuối năm nay, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ chuyển từ trạng thái thâm hụt nguồn cung sang dư cung. Điều đó đồng nghĩa rằng ông Biden có thể không cần phải xả kho dự trữ dầu thô để trấn an thị trường trong dài hạn như hiện nay.

IEA nói thêm, nhu cầu dầu mỏ cũng đang tăng cao hơn do lượng tiêu thụ xăng dầu nhảy vọt và hoạt động du lịch quốc tế khởi sắc khi ngày càng nhiều nước mở cửa biên giới. Tuy nhiên, giá dầu thô quá cao, hoạt động công nghiệp chững lại và đại dịch COVID-19 tái bùng phát đáng báo động ở châu Âu có thể kìm hãm đà tăng của dầu thô.

Cũng theo chiến lược gia Julian Lee, không loại trừ khả năng Arab Saudi đơn phương giảm sản lượng như một số lần trước để cứu nguy cho thị trường. Tuy nhiên, có lẽ "thủ lĩnh" của OPEC muốn một phản ứng thống nhất hơn từ liên minh dầu mỏ.

Một số chuyên gia khác nhận định, sau một thời gian căng thẳng, có thể OPEC+ và các khách hàng lớn sẽ phải nhượng bộ nhau để tránh một cuộc đụng độ "sứt đầu mẻ trán" như  cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga vào năm ngoái.

Khả Nhân