Nhà Trắng đáp trả: OPEC+ ngáng chân nền kinh tế toàn cầu khi từ chối bơm thêm dầu thô
OPEC+ cản trở kinh tế toàn cầu
Chia sẻ với Financial Times, một phát ngôn viên thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden tuyên bố: "Liên minh OPEC+ dường như không muốn sử dụng quyền lực của họ tại thời điểm then chốt này, khi nhiều nền kinh tế trên thế giới nỗ lực vực dậy từ đại dịch".
"Quan điểm của Nhà Trắng là, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu không nên bị cản trở bởi tình trạng mất cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu mỏ", vị phát ngôn viên tiếp tục.
Giá dầu thô thế giới đang neo gần mức đỉnh 7 năm dù hoạt động kinh tế chưa khôi phục về mức trước đại dịch. Hơn nữa, chi phí năng lượng đắt đỏ hơn còn dấy lên lo ngại về lạm phát. Riêng tại Mỹ, giá xăng đã tăng khoảng 60% trong 12 tháng qua.
Tuyên bố của Nhà Trắng được công bố không lâu sau khi liên minh OPEC+ kết thúc cuộc họp chính sách tháng 11. Sau quá trình thảo luận, tổ chức này quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng hiện tại, theo đó chỉ bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng 12.
Trước đó, các nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu như Ấn Độ và Nhật Bản từng kêu gọi OPEC+ tăng nguồn cung ra thị trường để kiềm chế đà tăng của nhiên liệu. Tổng thống Biden cũng ít nhất hai lần mở lời, nhưng cuối cùng đều bị OPEC+ khước từ.
Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết Washington sẵn sàng sử dụng "mọi công cụ" cần thiết để hạ nhiệt giá nhiên liệu, trong đó giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược là một biện pháp khả thi.
Mối quan hệ sứt mẻ
Sau cuộc họp mới nhất của OPEC+, Arab Saudi đã bảo vệ lập trường chính sách của liên minh dầu mỏ. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ đang đóng vai trò như "một cơ quan quản lý có trách nhiệm" khi chỉ tăng dần sản lượng dầu thô.
"Qua những gì lặp đi lặp lại trong vài tháng qua, chúng tôi nhận thấy OPEC+ phải tiếp tục điều tiết thị trường, nếu không mọi thứ sẽ đi chệch hướng", Hoàng tử Arab Saudi nhấn mạnh.
Tương tự, người đứng đầu Bộ Năng lượng các nước từ Mexico đến UAE đều ủng hộ quyết định của OPEC+. Trong một tuyên bố, OPEC+ khẳng định họ muốn "hỗ trợ thị trường nói chung khi các mặt hàng năng lượng khác (không tính dầu thô) đang cực kỳ biến động và bất ổn".
Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman liên tục đề cập đến thị trường khí đốt và than đá. Ông cho rằng trong năm nay, giá của hai loại hàng hóa này tăng mạnh hơn giá dầu thô, coi đây như một cách để biện minh cho quyết định của OPEC+. Tuy nhiên, lập luận này không làm Nhà Trắng hài lòng.
Từ lâu, Arab Saudi là đồng minh quan trọng bậc nhất của Washington tại Trung Đông. Song, căng thẳng giữa hai bên bắt đầu dâng cao khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng. Đến nay, đương kim Tổng thống Mỹ vẫn từ chối trò chuyện cùng Thái tử Mohammed bin Salman, người thừa kế của Vua Salman.
Tháng 3/2021, Mỹ đã công bố một báo cáo tình báo, khẳng định Thái tử Mohammed là người ra lệnh vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post.
Trong khi đó, Hoàng tử Abdulaziz, anh trai cùng cha khác mẹ với Thái tử Mohammed, được cho là rất thất vọng trước việc phương Tây kêu gọi Arab Saudi giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhưng vẫn kêu gọi nước này tăng sản lượng dầu thô.
Ông Christyan Malek, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí tại JPMorgan, cho rằng mối quan hệ giữa Arab Saudi và Mỹ có thể trở nên căng thẳng hơn, vì Mỹ đang dốc toàn lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
"Tuy nhiên, Arab Saudi cũng cần phải có nguồn ngân sách cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Do đó, đất nước Trung Đông này muốn giá dầu cao hơn để phục vụ cho mục tiêu đó", ông Malek nói thêm.
"OPEC+ đã khước từ lời đề nghị của Washington và Tổng thống Biden cũng đã đe dọa sẽ đáp trả, ngày càng có khả năng Mỹ sẽ giải phóng kho dự trữ dầu thô cũng như ban hành các biện pháp trả đũa", vị chuyên gia dự đoán.