|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ nói với thế giới: Khủng hoảng năng lượng của các bạn không phải vấn đề của chúng tôi

08:12 | 05/11/2021
Chia sẻ
Liên minh OPEC+ đã phớt lờ yêu cầu tăng sản lượng của khách hàng, đồng thời đổ lỗi rằng khó khăn kinh tế của các nước bắt nguồn từ giá khí đốt tự nhiên giá than tăng cao.

Chia sẻ với các phóng viên sau cuộc họp chính sách tháng 11, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, dứt khoát khẳng định: "Dầu mỏ không phải vấn đề cốt lõi của cuộc khủng hoảng năng lượng mà các nước đang trải qua".

"Rắc rối nằm ở việc nguồn cung năng lượng nói chung của thế giới đang biến động bất thường và dữ dội", Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nhận định.

Kết thúc cuộc họp mới nhất, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng hiện tại, theo đó bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng 12. Các nước tiêu thụ dầu thô lớn như Ấn Độ và Nhật Bản coi tốc độ bơm dầu này là quá chậm để củng cố đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Trước đó, chính phủ Mỹ và đích thân Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi OPEC+ cung ứng thêm dầu thô ra thị trường để giảm áp lực lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Song, sau cùng, liên minh dầu mỏ đã phớt lờ lời khẩn cầu này.

OPEC+ nói với thế giới: Khủng hoảng năng lượng của các bạn không phải vấn đề của chúng tôi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). (Ảnh: Bloomberg).

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói, nếu các nước nghiêm túc về nguyên nhân thật sự của cuộc khủng hoảng năng lượng, họ nên tập trung vào nguồn cung khí đốt cho châu Âu và châu Á cũng như các hạ tầng liên quan.

Theo Bloomberg, vị bộ trưởng còn trình bày một biểu đồ so sánh mức tăng hai con số của giá dầu thô kể từ mùa hè năm nay với mức tăng ba con số của giá khí đốt và than đá. "Nhìn vào giá dầu Brent với các mặt hàng năng lượng khác. Mức tăng 28% của Brent chẳng đáng là bao", Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh.

Ở một cuộc phỏng vấn khác, khi được hỏi tại sao OPEC+ không tăng nguồn cung bất chấp sự phàn nàn và yêu cầu từ các nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết liên minh đang nỗ lực duy trì sự cân bằng của thị trường, đồng thời vẫn cảnh giác với những rủi ro tiềm tàng về nhu cầu.

"Từ tháng 8 đến nay, chúng tôi đã cung ứng thêm 2 triệu thùng dầu ra thị trường. Theo kế hoạch, chúng tôi vẫn đang bơm thêm dầu cho người tiêu dùng.

Song, OPEC+ nhận thấy nhu cầu có thể sụt giảm trong quý IV và quý I hàng năm do các yếu tố mùa vụ. Hơn nữa, có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu các sản phẩm dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 10 đang hạ nhiệt", vị bộ trưởng giải thích.

Ông Novak nhận định, các yếu tố này chứng tỏ nhu cầu dầu thô toàn cầu vẫn đang chịu áp lực từ biến chủng Delta cũng như các chính sách kiểm soát dịch tại nhiều nước, khu vực.

Các chuyên gia giải thích, giá dầu thô tăng cao như hiện nay bắt nguồn từ tình trạng mất cân bằng cung - cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới dần phục hồi từ đại dịch, nhu cầu dầu mỏ bật tăng mạnh mẽ. Chưa kể, Trung Quốc đang thiếu điện trầm trọng và châu Âu thì thiếu khí đốt, dẫn đến việc hai thị trường này ra sức thu mua dầu thô.

Goldman Sachs dự đoán, nhu cầu sẽ sớm quay trở lại mức trước đại dịch là khoảng 100 triệu thùng/ngày. Việc châu Âu và Trung Quốc săn lùng dầu thô có thể giúp nhu cầu tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, nguồn cung chưa phục hồi tương xứng. Do lo ngại đại dịch có thể trở xấu, OPEC+ chỉ chấp nhận bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng như quyết định tại cuộc họp mới đây.

Ngoài ra, vào năm ngoái, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sụt giảm 3 triệu thùng/ngày và đến nay cũng chưa khôi phục về mức cũ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung đáng kể.

Khả Nhân