Khi nào ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ sẽ 'mở vòi'?
Bước ngoặt khó tin
Giá dầu thô đang ở mức cao, qua đó giúp các công ty dầu mỏ kiếm bộn tiền. Ngành công nghiệp năng lượng đã có một bước ngoặt thực sự khó tin sau khi giá chạm đáy vào năm ngoái. Giờ đây, các chuyên gia trong ngành thậm chí còn đang suy đoán liệu giá dầu có đang trên đà chạm mốc 100 USD/thùng hay không.
Đầu năm 2020, khi đại dịch nhanh chóng lan rộng khắp toàn cầu, ngành dầu mỏ phải tạm ngừng hoạt động, còn người dân phải ở yên trong nhà. Nhu cầu dầu thô do đó giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Khi liên minh OPEC+ bắt đầu thảo luận để tìm hướng giải quyết, Arab Saudi và Nga lại bị cuốn vào một cuộc chiến giá dầu quy mô. Chẳng bao lâu, tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trở nên nghiêm trọng, trong khi kho chứa rất khan hiếm.
Đến ngày 20/4/2020, giá dầu WTI đã xác lập một kỷ lục không tưởng: lao đầu vào mức âm. Kết phiên, giá dầu WTI gần chạm ngưỡng -40 USD/thùng. Tại thời điểm 7h44 sáng ngày 4/11/2021 (theo giờ Việt Nam), dầu WTI hiện giao dịch quanh mức 80,25 USD/thùng.
Tuần trước, Arab Saudi đã cảnh báo thế giới rằng công suất dầu thô dự phòng toàn cầu đang giảm nhanh chóng. Vậy, liệu cơn khủng hoảng của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã khép lại hay chưa?
Trên khắp thế giới, chuỗi cung ứng vẫn đang quay cuồng và nguồn cung năng lượng không thể theo kịp nhu cầu khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch. Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) còn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng trước mùa đông năm nay.
Chưa chịu "mở vòi"
Năm ngoái, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sụt giảm 3 triệu thùng/ngày và đến nay vẫn chưa khôi phục về mức cũ. Tưởng chừng các công ty dầu mỏ tại Mỹ đang suy tính việc tăng sản lượng để giúp nền kinh tế vượt qua áp lực giá năng lượng, song thực tế thì không.
Theo oilprice.com, Exxon Mobil, Royal Dutch Shell và Chevron tuần trước đều xác nhận rằng phần lớn sẽ dành lợi nhuận thu được để mua lại cổ phiếu và chi cổ tức, thay vì rót tiền vào các mỏ mới.
Trong khi chi phí vốn (capex) của các công ty dầu mỏ trên dự kiến sẽ tăng trong năm tới, Bloomberg cho biết "mức tăng chủ yếu xuất phát từ mức cơ sở đặc biệt thấp của năm 2021 và nằm trong khung chiến lược mà các doanh nghiệp hoạch định từ trước khi giá xăng dầu tăng gần đây".
Điều này trái ngược với cách làm của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ trong quá khứ, khi mà họ thường dốc sức khai phá các dự án mới ngay cả khi giá dầu tăng không đáng kể, oilprice.com lưu ý.
Trong ngắn hạn, việc các công ty dầu mỏ Mỹ không tăng sản lượng là tin xấu cho các nước đang thiếu hụt năng lượng. Song, trong dài hạn, động thái này lại là tin tốt cho các sáng kiến chống biến đổi khí hậu.
Các ông lớn ngành dầu mỏ ý thức được rằng các nhà lãnh đạo thế giới đang nghiêm túc hơn bao giờ hết với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và tương lai của nhiên liệu hóa thạch sẽ rất bất ổn.
Đơn cử như tại chính nước Mỹ, từ khi ra tranh cử tổng thống, ông Joe Biden đã cam kết sẽ đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Có thời điểm, ông Biden nhấn mạnh: "Ngành công nghiệp dầu mỏ rất ô nhiễm. Theo thời gian, chúng ta phải thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo".
Khi nhậm chức, ông Biden đã đưa ra một loạt quyết sách như hủy giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, dừng cho thuê đất công để khai thác dầu mỏ,… để chứng minh lập trường của mình.
Ông Ben Van Beurden, CEO của Shell, từng cho hay: "Chúng tôi sẽ không tăng mạnh sản lượng nhiên liệu hóa thạch". Trong những năm tới, các công ty dầu mỏ lớn có thể sẽ tiếp tục hạn chế bơm dầu ra thị trường và tập trung vào đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh.