|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ giữ vững kế hoạch sản lượng, phớt lờ khẩn cầu của Mỹ

22:38 | 04/11/2021
Chia sẻ
Tại cuộc họp chính sách tháng 11 mới kết thúc, OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) đã nhất trí tiếp tục thực hiện kế hoạch sản lượng hiện tại, bất chấp việc chính phủ Mỹ gây áp lực buộc liên minh này hạ nhiệt thị trường.
OPEC+ giữ vững kế hoạch sản lượng, phớt lờ khẩn cầu của Mỹ - Ảnh 1.

Một người đàn ông UAE đứng trước đường ống dẫn dầu tại cảng Fujairah nằm ở bờ biển phía đông của UAE, cách Abu Dhabi khoảng 180 km. (Ảnh: Getty Images).

Liên minh dầu mỏ OPEC+ vừa kết thúc cuộc họp chính sách tháng 11 cách đây không lâu. Sau quá trình thảo luận, OPEC+ quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng hiện tại. Theo đó, Arab Saudi, Nga và các đồng minh sẽ bơm thêm khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.

Tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay: "Trước đó, chúng tôi đã nhất trí sẽ cung ứng thêm 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng cho đến cuối năm 2022. Hôm nay, OPEC+ quyết định giữ vững đường lối chính sách này".

Khi được hỏi tại sao OPEC+ không tăng nguồn cung bất chấp những lời phàn nàn và yêu cầu từ các nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, ông Novak nói liên minh này đang nỗ lực duy trì sự cân bằng của thị trường, đồng thời vẫn cảnh giác với những rủi ro tiềm tàng về nhu cầu.

"Từ tháng 8 đến nay, chúng tôi đã cung ứng thêm 2 triệu thùng dầu ra thị trường. Theo kế hoạch, chúng tôi vẫn đang bơm thêm dầu cho người tiêu dùng.

Song, OPEC+ nhận thấy nhu cầu có thể sụt giảm trong quý IV và quý I hàng năm do các yếu tố mùa vụ. Hơn nữa, có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu các sản phẩm dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 10 đang hạ nhiệt", vị bộ trưởng giải thích.

Ông Novak nhận định, các yếu tố trên chứng tỏ nhu cầu dầu thô toàn cầu vẫn đang chịu áp lực từ biến chủng Delta cũng như các chính sách kiểm soát dịch tại nhiều nước, khu vực.

Gần đây, giá dầu thô đã leo vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014, khiến các nước nhập khẩu dầu phải gồng mình gánh chịu áp lực lạm phát.

Ghi nhận tại thời điểm 22h30 ngày 4/11 (theo giờ Việt Nam), trên trang oilprice.com, giá dầu Brent tăng 0,34% lên 82,27 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI chưa có phản ứng gì và neo quanh mức 80,69 USD/thùng.

Tổng thống Joe Biden thẳng thắn cho rằng chính thái độ chần chừ của OPEC+ đã góp phần làm cho giá xăng dầu tại Mỹ cũng như trên khắp thế giới leo thang.

Tại cuộc họp nhóm G20 ở Italy gần đây, ông chủ Nhà Trắng cho hay: "Nếu Nga, Arab Saudi và các nước khai thác dầu thô lớn khác không bơm thêm dầu, người dân không thể có đủ xăng để tiêu thụ".

Đầu tháng 10, Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent có thể đạt mốc 90 USD/thùng vào cuối năm nay, trong khi Bank of America cho rằng giá dầu có thể leo lên ngưỡng100 USD/thùng. Cần lưu ý rằng giá dầu Brent đã tăng lên khoảng 80 USD/thùng dù nhu cầu dầu thô toàn cầu vẫn thấp hơn khoảng 4 triệu thùng/ngày so với mức trước đại dịch.

Ở một sự kiện khác, khi được hỏi liệu giá dầu WTI có thể đạt 100 USD/thùng hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói: "Rất khả thi". Song, chia sẻ với CNBC, vị lãnh đạo nói Nga và các nước sản xuất dầu thô khác đang cố sức để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.

"Nga và các đối tác cũng như liên minh OPEC đang làm mọi thứ để đảm bảo thị trường dầu mỏ ổn định. Chúng tôi cố gắng để giá dầu không đạt đỉnh quá sốc, gây tổn hại cho người tiêu dùng. Chắc chắn chúng tôi không muốn điều đó xảy ra", ông Putin nhấn mạnh.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.