OPEC+ dọa đáp trả nếu ông Biden và đồng minh xả kho dự trữ dầu thô
OPEC+ đe dọa đáp trả
Hôm nay (ngày 23/11), Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ công bố kế hoạch giải phóng kho dự trữ dầu thô chiến lược cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Bloomberg dẫn lời các quan chức chính phủ Mỹ cho hay.
Washington đã ấp ủ kế hoạch trên trong nhiều tuần qua, với mục đích là giảm bớt đà tăng giá nhiên liệu trong năm nay. Dự tính của chính phủ Mỹ là xả khoảng 35 triệu thùng dầu thô ra thị trường theo thời gian.
Đáp lại, các đại diện của OPEC+ khẳng định việc những khách hàng lớn xả hàng triệu thùng dầu thô dự trữ là không hợp lý nếu xét đến điều kiện thị trường hiện nay. Theo đó, liên minh dầu mỏ có thể phải đánh giá lại kế hoạch bổ sung nguồn cung trong cuộc họp vào tuần tới.
Mối bất hòa giữa OPEC+ và các nước tiêu thụ dầu thô lớn có thể trở thành cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trên thị trường năng lượng kể từ cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga hồi đầu năm 2020, Bloomberg nhấn mạnh.
Hiện tại, dầu thô - huyết mạch của nền kinh tế thế giới, đang tăng giá chóng mặt, trong khi các chính trị gia và ngân hàng trung ương phải nỗ lực kiểm soát áp lực lạm phát chưa từng có trong hơn một thập kỷ qua.
Chưa kể, tranh chấp giữa OPEC+ và các khách hàng hàng đầu còn làm lộ rõ mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Riyadh, đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông, Bloomberg lưu ý.
Bà Helima Croft, chiến lược gia hàng hóa tại RBC Capital Markets, nhận định: "Động thái giải phóng dự trữ dầu thô của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gây náo loạn thị trường dầu mỏ, đồng thời làm xấu thêm quan hệ song phương giữa Washington và Riyadh".
Đầu tháng 11, bất chấp lời đề nghị của Tổng thống Biden và các khách hàng lớn về việc bơm thêm dầu thô ra thị trường, liên minh OPEC+ chỉ kiên định bổ sung khoảng 400.000 thùng dầu thô/ngày trong tháng 12.
Trong một tuyên bố, ông Joseph McMonigle - Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (trụ sở tại Riyadh, Arab Saudi), bày tỏ: "Tôi dự đoán các bộ trưởng năng lượng của OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch nguồn cung hiện tại, chỉ bổ sung từ từ dầu thô ra thị trường".
"Tuy nhiên, một số yếu tố bên ngoài, không lường trước được như việc các khách hàng lớn giải phóng dự trữ chiến lược hoặc các đợt phong tỏa mới ở châu Âu có thể buộc OPEC+ phải đánh giá lại tình hình", ông McMonigle lưu ý.
Theo kế hoạch, OPEC và các đồng minh sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 tới nhằm cân nhắc hoặc điều chỉnh mức tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày cho tháng 1 năm sau.
Chiến thắng chính trị cho ông Biden
Đối với chính quyền ông Biden, việc hợp tác giải phóng dầu thô dự trữ có thể đánh dấu một chiến thắng ngoại giao cho Mỹ, đặc biệt là khi có sự tham gia của Trung Quốc. Theo Bloomberg, vấn đề này đã được ông Biden đem ra thảo luận cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp trực tuyến tuần trước.
Cuộc chiến hạ giá dầu thô của Tổng thống Biden trái ngược với nỗ lực của người tiền nhiệm Donald Trump nhằm thuyết phục Arab Saudi và Nga chấm dứt cuộc chiến giá dầu vào đầu năm 2020.
Kế hoạch của chính quyền Washington cũng cho thấy khi áp lực lạm phát dâng cao, các nền kinh tế lớn có ngưỡng chịu đựng thấp hơn nếu giá dầu thô tăng vọt. Trái lại, dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, giá dầu duy trì trên mức 100 USD/thùng trong nhiều năm nhưng không trở thành điểm nóng chính trị.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ của ông đang xem xét xả kho dự trữ dầu thô cùng các nước như Mỹ. Đầu tuần này, giới chức Ấn Độ cũng phát tín hiệu đang nghiên cứu một động thái tương tự và nhiều khả năng là New Delhi sẽ sát cánh cùng Washington giải phóng dầu thô trong ngày 23/11.