|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiên liệu hóa thạch chờ ngày tàn, kinh tế Arab Saudi vẫn chưa có gì lận lưng ngoài dầu mỏ

07:19 | 22/11/2021
Chia sẻ
Arab Saudi đang triển khai một chương trình đa dạng hóa kinh tế tiêu tốn hàng trăm tỷ USD nhưng chính phủ không có nơi nào khác để kiếm được khoản tiền khổng lồ này, ngoại trừ từ dầu mỏ. Suy cho cùng, nền kinh tế Arab Saudi trong vài chục năm nữa chưa có gì lận lưng ngoài loại nhiên liệu hóa thạch này.

Đất nước giàu lên nhờ dầu mỏ

Arab Saudi là một quốc gia giàu có nằm dọc bán đảo Arab và gần sát eo biển Hormuz - điểm trung chuyển trọng yếu của ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới.

Nhiên liệu hóa thạch chờ ngày tàn, kinh tế Arab Saudi vẫn chưa có gì lận lưng ngoài dầu mỏ - Ảnh 1.

(Bản đồ: Britannica).

Kể từ sau khi phát hiện ra dầu mỏ vào năm 1938, Arab Saudi đã chứng kiến những bước chuyển đáng kinh ngạc từ giáo dục, xã hội, cơ sở hạ tầng đến kinh tế. Từ một quốc gia sa mạc kém phát triển trong thế kỷ 20, Arab Saudi vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới, tính theo số liệu GDP năm 2020.

Tựu chung, Arab Saudi bứt phá như ngày nay hầu như là nhờ vào "vàng đen", huyết mạch của nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, các nước kiểm soát trữ lượng dầu thô lớn như Arab Saudi cũng thường có địa vị chính trị đáng kể.

Nhiên liệu hóa thạch chờ ngày tàn, kinh tế Arab Saudi vẫn chưa có gì lận lưng ngoài dầu mỏ - Ảnh 2.

(Đồ họa: Visual Capitalist).

Theo báo cáo Đánh giá Thị trường Năng lượng Toàn cầu năm 2020 của BP, tính đến năm 2019, trữ lượng dầu thô đã được biết đến của đất nước Trung Đông này đạt khoảng 298 tỷ thùng, chiếm 17,2% tổng trữ lượng toàn cầu và chỉ xếp sau Venezuela.

Nắm trong tay trữ lượng đáng nể, sản lượng khai thác và tỷ trọng xuất khẩu "vàng đen" trong tổng kim ngạch xuất khẩu của "thủ lĩnh" OPEC cũng rất lớn. Năm 2019, xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi đạt 202 tỷ USD, chiếm đến 77% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài đưa dầu mỏ thành trụ cột của nền kinh tế, từ đầu những năm 1970, chính quyền Riyadh còn phát triển thêm các ngành công nghiệp cơ bản (gọi tắt là Sabic) để đa dạng hóa kinh tế, nhưng các ngành này đều có liên hệ với xăng dầu, chẳng hạn như luyện thép cuộn, hóa dầu, phân bón, lắp ráp xe tải, chế biến nhựa,....

Dầu thô cũng là nguồn đóng góp ngân sách lớn nhất của Arab Saudi. Năm 2020, tổng nguồn thu công của nước này ước đạt hơn 222 tỷ USD), trong đó nguồn thu từ dầu thô chiếm khoảng 62%.

Tương lai khi dầu thô bị "ruồng bỏ"

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 4 năm nay, hãng tư vấn Wood Mackenzie cho hay, nếu giới lãnh đạo thế giới quyết liệt hành động để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhu cầu dầu thô sẽ sụt mạnh.

Wood Mackenzie dự đoán, từ nay đến năm 2050, thị trường năng lượng sẽ ngày càng ưu tiên năng lượng tái tạo và "ruồng bỏ" các nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm như dầu thô. Theo đó, nhu cầu dầu thô có thể mất đến 70% vào năm 2050 so với mức hiện tại.

Nhu cầu sẽ bắt đầu giảm từ năm 2023 và tụt nhanh sau đó, mỗi năm trung bình mất khoảng 2 triệu thùng/ngày. Giá dầu thô có thể sẽ "liên tục lao dốc", trong đó giá dầu Brent tụt xuống còn khoảng 37 - 42 USD/thùng vào năm 2030, tiếp tục giảm sâu còn 28 - 32 USD/thùng vào năm 2040, và cuối cùng còn 10 - 18 USD/thùng vào năm 2050.

Nhiên liệu hóa thạch chờ ngày tàn, kinh tế Arab Saudi vẫn chưa có gì lận lưng ngoài dầu mỏ - Ảnh 3.

Một cơ sở của Saudi Aramco tại thành phố Abqaiq. (Ảnh: Reuters).

Trong kịch bản trên, các nước vốn phụ thuộc nặng nề vào dầu thô như Arab Saudi sẽ phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, rủi ro kinh tế khi lệ thuộc vào dầu mỏ của đất nước Trung Đông đã thể hiện rõ nét từ trước, khi giá dầu biến động mạnh.

Đầu thập niên 1990, khi giá dầu thô thế giới bị đình trệ, chính phủ Arab Saudi đã khuyến khích người dân sinh thêm con để kích thích tiêu dùng trong nước, dẫn đến dân số tăng mạnh. GDP bình quân đầu người giảm xuống và bộ phận người lao động trẻ, được đào tạo bài bản phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Để chuẩn bị cho tương lai, Riyadh đang thực hiện một kế hoạch đa dạng hóa kinh tế mang tên Vision 2030, trong đó tập trung phát triển những ngành mới như dịch vụ và giải trí.

Chính phủ Arab Saudi kỳ vọng du lịch sẽ là nguồn tạo ra việc làm mới lớn nhất trong khu vực tư nhân, đóng góp 10% GDP và 10% việc làm trong vòng một thập kỷ, Bộ trưởng Bộ Du lịch Ahmed al-Khateeb nhấn mạnh.

Ngoài ra, Arab Saudi còn là một quốc gia sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên chứ không chỉ có mỗi dầu thô. Theo World Atlas, Arab Saudi đang đứng thứ ba thế giới về tổng giá trị tài nguyên thiên nhiên với 34,4 nghìn tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ và Nga.

Chính phủ Arab Saudi đang nỗ lực thăm dò và khai thác một số tài nguyên, khoáng sản gồm vàng, bạc, đồng, kẽm, chì, sắt, titan, bạch kim và cadmium, cũng như đá vôi, silica, thạch cao và phosphorit.

Chưa mảng nào hái ra tiền bằng dầu thô

Arab Saudi đã đầu tư mạnh tay vào các lĩnh vực dịch vụ, theo kế hoạch đề ra trong Vision 2030. Đất nước Trung Đông kỳ vọng sẽ gặt hái được nhiều thành quả trong những năm tới, khi các dự án du lịch và giải trí quy mô lớn đi vào hoạt động. Song, kết quả thực tế không mấy mĩ mãn.

Từ lâu, người dân Arab Saudi đã bay đến thành phố Abha nổi tiếng, cách thủ đô Riyadh khoảng 870 km để tránh cái nóng mùa hè. Public Investment Fund, quỹ đầu tư quốc gia của Arab Saudi, đã cam kết chi 2,9 tỷ USD để xây dựng 2.700 phòng khách sạn và hàng chục điểm vui chơi tại Abha, như một minh chứng cho tham vọng của Riyadh.

Tuy nhiên, các quan chức lại rất chật vật để giải thích tại sao hàng chục triệu khách du lịch nước ngoài nên chọn vương quốc dầu mỏ thay vì các địa điểm nức tiếng khác mỗi năm, khi mà vốn ngành du lịch Arab Saudi không có điểm nào nổi trội.

Điều đó còn dẫn đến một câu hỏi lớn hơn đối với nỗ lực cải cách kinh tế của chính phủ. Để đạt được mục tiêu, Arab Saudi phải thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. The Economist cho biết, giới đầu tư vốn rất lo ngại về môi trường kinh doanh ở một quốc gia do duy nhất một người cai trị như Arab Saudi.

Các nhà đầu tư từng không khỏi e sợ vào năm 2017, khi Thái tử Mohammad bin Salman bắt giữ hàng chục doanh nhân nước ngoài với cáo buộc tham nhũng, buộc nhiều người phải trao đổi tài sản để lấy tự do. Chưa kể, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 cũng gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và nền kinh tế Arab Saudi.

Ngoài ra, thuế và các điều kiện kinh doanh khác cũng là một mối quan tâm lớn tại Arab Saudi. Các công ty đa quốc gia bị ép buộc phải chuyển trụ sở khu vực đến Arab Saudi vào năm 2024 hoặc có nguy cơ mất các hợp đồng quốc gia béo bở.

Thị trường lao động của Arab Saudi hiện cũng đang đứng trước những thách thức riêng khiến con đường đa dạng hóa kinh tế càng gian nan. Thái tử Mohammad sẽ phải nỗ lực tạo công ăn việc làm cho 21 triệu dân của Arab Saudi, 2/3 trong số này là người dưới 35 tuổi.

Đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao 15,4% trong quý II năm ngoái, sau đó giảm dần về còn 11,3% trong quý II năm nay.

Để tỷ lệ thất nghiệp giảm, một bộ phận dân cư có trình độ đang chấp nhận làm những công việc chân tay vốn dành cho người nhập cư. Khi đại dịch còn chưa biết khi nào kết thúc, điều này có thể gây ra những xáo trộn cho thị trường lao động trong dài hạn.

 

 

Đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản mà chính quyền Riyadh cũng đang tập trung phát triển, tiềm năng không lớn. Do đó, nếu Arab Saudi muốn làm giàu từ ngành khoáng sản, e là tham vọng của đất nước Trung Đông khó mà đạt được.

Dù Arab Saudi sở hữu trữ lượng khoáng sản đồ sộ, hàng năm sản lượng mà nước này khai thác được rất khiêm tốn so với mức trung bình thế giới, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nhận định.

Nhìn chung, Arab Saudi đang triển khai một chương trình đa dạng hóa kinh tế tiêu tốn hàng trăm tỷ USD nhưng chính phủ không có nơi nào khác để kiếm được khoản tiền khổng lồ này, ngoại trừ từ dầu thô. Suy cho cùng, nền kinh tế Arab Saudi trong vài chục năm nữa chưa có gì lận lưng ngoài dầu mỏ.

Yên Khê