|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Arab Saudi có gì trong tay mà ngang nhiên phớt lờ Tổng thống Biden?

07:24 | 29/11/2021
Chia sẻ
Giá dầu thô phục hồi từ mức thấp năm 2020 không chỉ cải thiện đáng kể nguồn thu tài chính của Arab Saudi mà còn giúp nâng cao vị thế quyền lực của đất nước Trung Đông trước Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Riyadh vực dậy mạnh mẽ

Arab Saudi có gì trong tay mà ngang nhiên phớt lờ Tổng thống Biden? - Ảnh 1.

Thái tử Arab Saudi, Mohammed bin Salman. (Ảnh: Bloomberg).

Từ đầu tháng 11, Tổng thống Mỹ Joe Biden có vẻ hơi thất vọng. Lạm phát trong nước chạm đỉnh hơn 30 năm và người Mỹ, dù giàu hay nghèo, đều thấy giá xăng tăng chóng mặt từng ngày. Xét trên phương diện chính trị, giá dầu tăng thường gây hại cho Nhà Trắng.

Đầu tiên là tiếp cận riêng tư và sau thì công khai hơn, các quan chức Mỹ đã mất nhiều tuần để thuyết phục Arab Saudi bơm thêm dầu thô ra thị trường, càng nhanh càng tốt. Áp lực đè nặng lên Thái tử Mohammed bin Salman, người đàn ông có khả năng tác động đến giá dầu và vận mệnh của các chính trị gia ở những nước tiêu thụ năng lượng lớn.

Tuy nhiên, Thái tử Arab Saudi không hề lung lay bất chấp thái độ phản đối từ các nhà ngoại giao Mỹ. Ông đang bận tâm về các yếu tố cơ bản trên thị trường hơn là nhu cầu chính trị của Washington.

Nếu ông Biden thực sự muốn hạ nhiệt giá xăng, Bloomberg cho là vẫn còn cách nhưng chính quyền vị tổng thống Đảng Dân chủ không hề làm. Kể từ khi nhậm chức, ông Biden chỉ trò chuyện với Vua Salman mà từ chối liên hệ trực tiếp với Thái tử Mohammed.

Cuối cùng, ông Biden không có thêm dầu thô như mong muốn, buộc chính quyền Washington phải thông báo xả kho dự trữ khoảng 50 triệu thùng dầu hồi đầu tuần trước. Quyết định này có thể làm leo thang hơn nữa căng thẳng giữa Washington và liên minh OPEC+.

Đối với Thái tử Mohammed, giá dầu thô tăng vọt giúp ông có đủ tự tin để yêu cầu sự quan tâm chú ý đúng mực từ Tổng thống Biden và những nhà lãnh đạo khác. Nguồn thu dồi dào từ nhiên liệu hóa thạch còn hỗ trợ vị thái tử trên chặng đường biến Arab Saudi thành một trung tâm đầu tư toàn cầu thông qua quỹ nhà nước Public Investment Fund trị giá 450 tỷ USD.

 

Đầu năm ngoái, Arab Saudi còn đang rơi vào vực thẳm. Đại dịch COVID-19 khiến giá dầu lao dốc, chính quyền Riyadh buộc phải tăng thuế và vay nợ để lấp đầy ngân sách. Bây giờ, chỉ hơn một năm sau, giá dầu phục hồi đã giúp tình hình tài chính của Arab Saudi vực dậy mạnh mẽ, đồng thời củng cố vị thế của Thái tử Mohammed tại quê nhà.

Ông Jason Bordoff, quan chức cấp cao tại Bộ Năng lượng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Arab Saudi đang đứng ở một vị trí vững chắc. Nhu cầu dầu thô tăng lên, dầu đá phiến Mỹ không còn bùng nổ như xưa và trong tương lai gần, thế giới sẽ cần thêm dầu thô của Arab Saudi".

Qua hàng chục cuộc phỏng vấn với Bloomberg, các nhà ngoại giao, nhà tư vấn, giám đốc ngân hàng và giám đốc công ty dầu mỏ đều đồng thuận: Riyadh hiện đã thoát khỏi khủng hoảng, vươn lên mạnh mẽ cả về chính trị lẫn kinh tế.

Bà Helima Croft, chiến lược gia hàng hóa tại RBC Capital Markets và là cựu nhà phân tích của CIA, nhấn mạnh: "Người Saudi tự tin rằng họ đã trở lại vị trí dẫn dắt thị trường dầu mỏ".

 

Chỉ vài năm trước, tình hình từng rất khác

Theo Bloomberg, Mohammed bin Salman được chú ý khi Vua Salman lên ngôi vào năm 2015. Kể từ năm 2017, với tư cách là Thái tử Arab Saudi, Mohammed phải ra sức cải cách nền kinh tế đang sa sút về mặt tài chính.

Mỹ là nguyên nhân cho rất nhiều vấn đề của Arab Saudi. Với sự hỗ trợ của các ngân hàng Phố Wall, ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đã bùng nổ mạnh mẽ, từ đó làm thay đổi cán cân quyền lực trên thị trường dầu mỏ nói chung. Khi đó, không phải Riyadh, Texas mới là khu vực đang giữ vị trí dẫn dắt thị trường năng lượng toàn cầu.

Vài tháng trước khi Thái tử Mohammed lên nắm quyền, giá dầu thô đã lao dốc khủng khiếp vì sự phát triển như vũ bão của dầu đá phiến Mỹ. Giá dầu Brent tụt từ 115 USD/thùng vào tháng 6/2014 xuống còn 45 USD/thùng tại thời điểm Vua Salman lên ngôi và cuối cùng lùi xuống dưới 30 USD/thùng vào đầu năm 2016.

Sự kiện giá dầu thô giảm sốc đã khiến nền kinh tế Arab Saudi "mất máu" nghiêm trọng. Thái tử Mohammed đã phải cắt giảm chi tiêu và khởi động kế hoạch Vision 2030 để tái cơ cấu nền kinh tế Arab Saudi.

Sau một thời gian, kinh tế của quốc gia Trung Đông bắt đầu khởi sắc khi giá dầu phục hồi trong hai năm 2017 và 2018. Từ đó, Thái tử Mohammed đã quyết định mở cửa nền kinh tế, gỡ bỏ lệnh cấm đối với các rạp chiếu phim và cho phép phụ nữ lái xe,...để tái thiết xã hội Arab Saudi.

Tuy nhiên, cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi hồi tháng 10/2018 đã nhấn chìm nền kinh tế Arab Saudi, khiến doanh nghiệp quốc tế e ngại làm ăn tại nước này. Gần đây, cơ quan tình báo của chính quyền ông Biden cho biết Thái tử Mohammed có lẽ chính là người đã ra lệnh ám sát cây bút của tờ Washington Post.

Đầu năm 2020, giá dầu thô lại một lần nữa cắm đầu khi đại dịch tấn công Trung Quốc và sau đó là toàn thế giới. Đến khoảng tháng 4, giá dầu lần đầu tiên giảm xuống mức âm trong lịch sử, đánh dấu một cột mốc đen tối cho ngành năng lượng toàn cầu.

Arab Saudi chỉ sống sót khi mạnh tay cắt giảm sản lượng dầu thô và vay mượn hàng tỷ USD để khỏa lấp thâm hụt ngân sách tài khóa ngày càng lớn. Giờ đây, khi giá dầu thô và sản lượng của Arab Saudi phục hồi, nền kinh tế đất nước Trung Đông mới có thể vực dậy.

 

Nếu giá dầu thô ổn định ở mức 80 USD/thùng và sản lượng của Arab Saudi giữ vững ở mức hiện tại, tổng doanh thu từ dầu mỏ của nước này sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD trong năm 2022, Bloomberg ước tính.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng của Arab Saudi có thể đạt trung bình 10,7 triệu thùng/ngày trong năm tới, mức trung bình hàng năm cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của "siêu biến thể" Omicron đang đe dọa thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tuần trước, giá dầu đã giảm mạnh sau khi truyền thông đưa tin về Omicron, một số hãng tư vấn còn dự báo ông Biden có thể không cần phải xả kho dầu thô và OPEC+ có thể buộc phải tạm ngừng tăng sản lượng tại cuộc họp tuần này.

Nếu như vậy, tương lai tươi sáng của Arab Saudi có thể bị lu mờ. Song, dù sao màn xoay chuyển tình thế trong hơn một năm qua đã giúp cho vương quốc dầu mỏ có thể chi phối thị trường và nhiều lần phớt lờ đề nghị của Tổng thống Biden. Điều đó giúp chứng minh quyền lực không nhỏ của Arab Saudi trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Khả Nhân