Biến chủng mới xuất hiện: Ngáng đường OPEC+ nhưng giúp ông Biden hưởng lợi
Bloomberg dẫn lời một số đại biểu của OPEC+ cho biết tại cuộc họp chính sách tuần tới (trong hai ngày 1 và 2/12), liên minh 23 quốc gia dầu mỏ có thể tạm gác lại kế hoạch tăng sản lượng cho tháng 1 năm sau. Trước đó, OPEC+ dự kiến sẽ bổ sung thêm 400.000 thùng dầu/ngày cho tháng đầu năm 2022.
Trên thực tế, OPEC+ đã cân nhắc việc tạm ngừng bơm thêm dầu thô ra thị trường sau khi Mỹ và các khách hàng lớn thông báo về quyết định xả kho dự trữ chiến lược để giảm giá xăng dầu hồi đầu tuần này.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Bob McNally, Chủ tịch hãng tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, đồng thời là một cựu quan chức Nhà Trắng, nhận định: "Biến chủng SARS-CoV-2 mới có thể buộc chính phủ các nước tái thiết lập phong tỏa và hạn chế đi lại".
"Điều đó có thể thay đổi các điều kiện trên thị trường dầu mỏ, khiến các bộ trưởng Bộ Năng lượng của OPEC+ tạm hoãn dự định tăng sản lượng", ông McNally nói tiếp.
Hôm 26/11, giá dầu thô giao sau đã lao dốc hơn 12% ở cả London và New York do thị trường lo ngại rằng biến chủng mới phát hiện ở Nam Phi có thể đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 4 năm ngoái, thời điểm giá dầu thô rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử.
Cũng trong cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến chủng mới là Omicron, đồng thời khẳng định đây là một biến chủng đáng quan ngại. WHO lưu ý thêm, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện Omicron.
Trước đó một ngày, các nhà khoa học Vương quốc Anh thông báo đã phát hiện biến chủng B.1.1.529 với nhiều đột biến hơn tất cả các biến chủng trước đó. Điều này đồng nghĩa rằng nó có thể cản trở phản ứng miễn dịch của cơ thể và lây lan dễ dàng hơn.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã cảnh báo rằng thị trường năng lượng toàn cầu có nguy cơ dư cung trở lại vào tháng tới và nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các biến chủng mới.
Nghiên cứu nội bộ của liên minh dầu mỏ cho thấy nguồn cung dầu thô có thể bắt đầu dư thừa đáng kể vào đầu năm tới, thậm chí nguy cơ này chỉ tăng lên nếu Mỹ và các nước tiêu thụ năng lượng lớn giải phóng kho dự trữ.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể chặn đứng đà tăng của giá dầu thô. Nếu vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều khả năng không cần phải xả kho dự trữ để hạ nhiệt giá xăng dầu như hiện tại.
Cuối ngày 23/11, Tổng thống Joe Biden chính thức thông báo Mỹ sẽ giải phóng khoảng 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược trong các tháng tới để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Ấn Độ cũng nhất trí xả thêm 5 triệu thùng từ kho dự trữ khẩn cấp và Anh đồng ý xuất kho khoảng 1,5 triệu thùng. Hôm 24/11, Trung Quốc cũng thông báo sắp giải phóng một lượng dầu thô nhất định, nhưng chưa thông báo thời điểm và khối lượng cụ thể.
Dù vậy, hiện chưa rõ liệu OPEC+ có ủng hộ việc tạm gác lại kế hoạch tăng sản lượng hay không. Các thành viên như Nga và UAE thường kêu gọi liên minh dầu mỏ khôi phục lại hoạt động khai thác như xưa.