|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Barron's: Thị trường chứng khoán Việt Nam đẹp hơn sau đại dịch

12:52 | 20/07/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan tới sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, thanh khoản, qui định quản lí, ... Dù vậy, việc nước ta ứng phó thành công với COVID-19 và xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp vì căng thẳng Mỹ - Trung khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Kinh tế sáng sủa, sao thị trường lại tối tăm?

Tạp chí Barron's cho rằng đối với nhà đầu tư, Việt Nam chứa đầy rẫy những nhân tố trái ngược khó giải thích. Về kinh tế vĩ mô, Việt Nam là một ngôi sao sáng chói. Trước khi đại dịch ập đến đầu năm 2020, tăng trưởng GDP Việt Nam duy trì ở mức cao khoảng 7%, xuất khẩu cải tiến dần từ may mặc sang hàng điện tử công nghệ cao.

Dân số 100 triệu người thuộc nhóm trẻ, đã qua đào tạo và đang dần đô thị hóa với tốc độ 1 triệu người/năm.

Tuy nhiên về quản trị thị trường, Việt Nam lại là một mớ hỗn độn. Sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế, các qui định giao dịch chặt chẽ khiến thanh khoản bị bóp nghẹt và giá mua bán giữa các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhiều so với mức niêm yết trên sàn.

Những nhược điểm này cùng với nhiều vấn đề khác khiến cho Việt Nam vẫn bế tắc trong vũng lầy "thị trường cận biên", và có lẽ phải mất nhiều năm nữa mới được MSCI nâng hạng lên "thị trường mới nổi", Barron's nhận định.

Các quĩ đầu tư toàn cầu nhận thức rất rõ điểm yếu của Việt Nam. Trong 5 năm qua, quĩ ETF VanEck Vectors Vietnam đã mất 1/4 giá trị, trong khi các thị trường mới nổi toàn cầu tăng trưởng 12%.

Triển vọng tươi sáng của chứng khoán Việt Nam

Một số sự kiện gần đây đã thắp lên tia hi vọng mới cho chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, nước ta ứng phó với COVID-19 thành công hơn hầu hết các quốc gia khác, đến nay Việt Nam mới chỉ ghi nhận 383 ca dương tính và chưa có ai tử vong vì COVID-19 dù đất nước chỉ bị phong tỏa trong hai tuần.

Chính thành công trong phòng chống dịch này đã giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm với tốc độ bằng khoảng một nửa cùng kì năm ngoái trong khi hầu hết quốc gia khác đều sụt giảm GDP.

Ông Ruchir Desai, một nhà quản lí quĩ tại Asia Frontier Capital nhận xét: "Thị trường Việt Nam vốn dĩ đã khá hấp dẫn, và trong quí II/2020 Việt Nam lại là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng dương".

Căng thẳng Mỹ - Trung nóng lên trở lại đang khiến các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc tới Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong nửa đầu năm 2020 đạt 8,65 tỉ USD, bất chấp đại dịch.

Ông Andrew Brudenell – Giám đốc thị trường cận biên tại Ashmore Group cảm thấy rất phấn chấn bởi những tín hiệu tích cực này. Trong năm nay, ông đã nâng tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục của mình từ 9% lên 16%.

Ông Oliver Bell – người phụ trách chiến lược đầu tư cận biên tại công ty quản lí quĩ T. Rowe Price cũng ưa thích thị trường Việt Nam. "Chúng tôi đang mua những công ty có nền tảng cơ bản chắc chắn mà P/E chỉ chưa đến 10 lần. Chúng tôi mua vào rất mạnh thời gian gần đây".

Tuy nhiên để tìm được những món hời, nhà đầu tư phải cất công tìm kiếm vượt ra ngoài những đại gia vốn hóa top đầu như Vingroup (VIC) hay Vinamilk (VNM). Các nhà đầu tư chuyên về thị trường cận biên tỏ ra ưa thích các chuỗi bán lẻ như Thế Giới Di Động (MWG) hay Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

"Chúng tôi đặc biệt thích nhóm bán lẻ bởi ngành này hiện đang bị chi phối bởi các cửa hàng nhỏ lẻ tự phát", ông James Bannan – người quản lí quĩ Coeli Frontier Markets nhận định.

Ông Ruchir Desai tại Asia Frontier Capital cho biết Vincom Retail (VRE) – công ty xây dựng và quản lí các trung tâm thương mại của Vingroup - cũng là một cái tên tiềm năng.

Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam lại thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Ông Andrew Brudenell tại Ashmore Group khuyến nghị tránh xa vì nguy cơ "bãi mìn" nợ xấu mà đại dịch COVID-19 để lại nền kinh tế.

Ông Oliver Bell tại T. Rowe Price thì nhận thấy giá trị ở Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB). Ông cho rằng các rủi ro đã được phản ánh vào giá khi tỉ lệ P/E lần lượt chỉ khoảng 6 lần và 5 lần.

Hạ tầng và qui định quản lí thị trường vẫn là những điểm trừ lớn của Việt Nam. "Giới hạn sở hữu nước ngoài là một vấn đề rất đau đầu", ông James Bannan tại Coeli Frontier Markets nói.

Tuy nhiên, những thay đổi mà đại dịch COVID-19 và xung đột Mỹ - Trung tạo ra trong năm 2020 đang đẩy nhanh quá trình Việt Nam chuyển đổi thành một nền kinh tế đáng được đầu tư.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Đức Quyền