|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thủ tướng giao nhiệm vụ sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi

11:30 | 20/07/2020
Chia sẻ
Tại lễ kỉ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 6 nhiệm vụ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương.

Sáng nay (20/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham gia lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động Thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng giao nhiệm vụ phấn đấu sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh chụp màn hình

Đánh giá về vai trò của thị trường chứng khoán, theo Thủ tướng, trong 20 năm qua, TTCK từ qui mô rất nhỏ và sơ khai đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ về qui mô, chất lượng, chiều sâu và trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. 

"Đây là cũng bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp trong huy động nguồn lực để phát triển vượt bậc về cả về qui mô và chất lượng, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế trong nước và từng bước mang tầm vóc khu vực, quốc tế như Vietcombank, Vinamilk, FPT, Vingroup"

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tập trung nỗ lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và Thị trường chứng khoán nói riêng.

Ngay trong năm nay cần phải ban hành đồng bộ hệ thống Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tiến tới nghiên cứu sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các Luật, Nghị định liên quan khác trong những năm tiếp theo. Hệ thống văn bản pháp quy sắp tới phải thực sự theo tinh thần đổi mới có tầm nhìn dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Hai là, các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường trong đó có Thị trường chứng khoán, Thị trường tiền tệ và Thị trường bảo hiểm; nhằm hướng tới một cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp của các thị trường trong ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ba là, cần đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển nhanh qui mô và chất lượng của Thị trường chứng khoán như: đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng kí giao dịch trên Thị trường chứng khoán; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường tính công khai minh bạch trên Thị trường chứng khoán thông qua việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, cải tiến chất lượng dịch vụ kiểm toán và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.

Bốn là, cần sớm hoàn thiện cơ cấu của Thị trường chứng khoán theo hướng nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để tách hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên một hệ thống chuyên biệt, gấp rút nghiên cứu hoàn chỉnh và đưa vào giao dịch thêm các sản phẩm phái sinh khác để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư.

Năm là, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia Thị trường chứng khoán.

Cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với các Bộ, ngành liên quan cần được củng cố để tăng cường năng lực dự báo tình hình và áp dụng các giải pháp ứng phó với các biến động bất thường nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho Thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính - tiền tệ nói chung.

Sáu là, tập trung đổi mới một cách cơ bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 vào phục vụ cho giao dịch, thanh toán, giám sát, và các dịch vụ tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; sớm nghiên cứu để sớm thực hiện số hoá tài sản giao dịch trên Thị trường chứng khoán. 

Bảy là, chủ động hội nhập Thị trường chứng khoán vào Thị trường tài chính quốc tế để tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo Lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đưa Thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến của các tổ chức tài chính quốc tế lớn.

Lợi Hoàng

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.