|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch UBCKNN: 20 năm qua là giai đoạn phát triển ban đầu, tiếp theo là giai đoạn tăng trưởng mạnh hơn về chất

12:32 | 20/07/2020
Chia sẻ
Cũng theo người đứng đầu UBCKNN, các nhà đầu tư tham gia trên TTCK đã có sự trưởng thành vượt bậc, cho nên sự tham gia của các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế trong thời gian tới kỳ vọng sẽ rất tích cực.

Nhân dịp kỉ niệm 20 năm khai trương phiên giao dịch đầu tiên của TTCK Việt Nam (28/7/2000 – 28/7/2020), ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có bài trả lợi phỏng vấn.

PV: Thưa ông, TTCK Việt Nam đã trải qua 20 năm xây dựng và phát triển với nhiều thành quả đáng tự hào. Là người tham gia từ những ngày đầu và hiện nay trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông có thể đánh giá một cách cô đọng nhất về kết quả của thị trường 20 năm qua?

Ông Trần Văn Dũng: Tôi nghĩ rằng, phát triển TTCK là tất yếu của bất kỳ một quốc gia nào phát triển trong thời kỳ hiện đại. Với Việt Nam TTCK đã mở cửa được 20 năm, nhưng để có được ngày mở cửa là một câu chuyện chuẩn bị đã có từ trước đó.

Câu chuyện xây dựng TTCK manh nha từ công cuộc đổi mới, sau đó khi cả nước bắt thay thực sự vào đổi mới nền kinh tế, thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài thì câu chuyện về TTCK đã dần xuất hiện.

Theo đó, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 8 tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996 – 2000 có nội dung: Phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó phát triển từng bước TTCK.

Ngay sau đó, UBCKNN đã được thành lập vào năm 1996. Nghị định đầu tiên về chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng được ra đời và bắt tay vào công tác chuẩn bị để TTCK mở cửa vào năm 2000. Như vậy, nếu tính từ ngày đó, chặng đường phát triển của TTCK cũng đã qua 1/4 thế kỷ rồi.

20 năm qua, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển rất là mạnh mẽ và hoàn thiện không ngừng. Từ 02 cổ phiếu ban đầu giao dịch trên HOSE, thì hiện nay chúng ta đã có thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), TTCK phái sinh và sắp tới là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng rất mạnh, hiện đã đạt 65% GDP. Điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam đã tận dụng được những ưu thế của TTCK để huy động vốn để phát triển và chúng ta đã hình thành được các DN hàng đầu có sức ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế, ví dụ như là Vinamilk hay Vingroup, …

Cùng với đó, Chính phủ thông qua TTCK đã huy động rất hiệu quả cho đầu tư phát triển và có lẽ là chưa bao giờ, Chính phủ có thể chủ động được nguồn vốn với lãi suất rất rẻ như giai đoạn hiện nay.

Sự đóng góp của TTCK cũng được biểu hiện thông qua sự minh bạch của thị trường. Các DN khi lên niêm yết trên TTCK thì công bố thông tin một cách đầy đủ hơn và ngày một chất lượng. đồng thời áp dụng tốt hơn các thông lệ tốt; do vậy, chất lượng hoạt động của DN đã được nâng lên.

Chúng tôi thấy rằng, TTCK trong 20 năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ vào công tác cổ phần hóa DN nhà nước (DNNN). Từ năm 2005 đến nay, tất cả các DN cổ phần hóa ở qui mô lớn đều được đấu giá qua TTCK và cho kết quả rất thành công. 

Điều đó đã làm thay đổi cả cơ cấu của nền kinh tế và TTCK – đây là nền tảng cơ sở để Chính phủ quyết định mô hình tăng trưởng, từ mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào DNNN sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào sự năng động của kinh tế tư nhân.

PV:  Những kết quả đó thực sự ấn tượng với thị trường có thể gọi là "trẻ" như TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nhạy bén của TTCK thì rất khó để có thể tránh khỏi những "khúc nhạc trầm" bên cạnh "vui là chính". Ông có thể chia sẻ gì về điều này?

Ông Trần Văn Dũng: Với những kết quả tích cực đạt được như tôi đã chia sẻ, về cơ bản vai trò, vị thế của TTCK đã được khẳng định, góp phần thực sự hiệu quả cho phát triển kinh tế đất nước. Như vậy, nhìn nhận trên cả hành trình đã đi, có thể nói rằng, tới thời điểm này, TTCK "vui là chính" và chúng ta đáng tự hào về những kết quả đạt được. Thậm chí, khi nhìn lại, có những kết quả mà ngày đầu, những người đặt những viên gạch đầu tiên có thể chưa dám nghĩ tới.

Tuy nhiên, đúng là như vậy, thị trường nào có lẽ cũng có, nhất là với một thị trường bậc cao và nhạy bén trước thông tin và mang nặng yếu tố niềm tin như TTCK thì khó tránh khỏi những cung bậc "có thăng, nhưng cũng có trầm".

Như chúng ta đã từng biết, "vạn sự khởi đầu nan", giai đoạn đầu xây dựng TTCK gặp nhiều khó khăn, thậm chí là ngay từ nhận thức về việc "có" hay "không" xây dựng TTCK tại Việt Nam. 

Việc xây dựng TTCK như các nước đã khó, nhưng việc xây dựng một TTCK phù hợp với Việt Nam thì mức độ khó còn được nâng lên. Lúc đó, mọi thứ đều mới, từ nhận thức, mô hình thị trường, chuyên môn nhận sự, cơ sở hạ tầng và cả kinh nghiệm thực tiễn. Do vậy, khó khăn là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, nhờ có định hướng, quyết tâm và quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng nỗ lực, sáng tạo và cả sự đồng lòng, đồng cam cộng khổ của "những người khởi thủy", TTCK đã được ra đời và về cơ bản phát triển thuận lợi. Tôi nghĩ rằng, nếu thế hệ đi trước không quyết tâm, không dũng cảm thì sẽ khó có được một TTCK phát triển tương đối toàn diện như hôm nay.

Cùng với đó, trong chặng đường 20 năm đã qua, gắn với mỗi thời kỳ là một hành trình nhỏ và cũng không ít chông gai. Mục tiêu xây dựng một TTCK bền vững, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành trình, nhưng cảm xúc điều hành, thậm chí là bản lĩnh ra quyết định và chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý lúc nào cũng thử thách với bất kỳ người đứng đầu nào.

Chẳng hạn như gần đây nhất, việc ra đời sản phẩm chứng quyền có bảo đảm là một ví dụ, hay trước đó một năm là TTCK phái sinh ra đời. Để ra đời một sản phẩm mới, dịch vụ mới đều rất khó và cần một sự chuẩn bị trong nhiều năm, sau đó chờ sự đón nhận của thị trường để tinh chỉnh, điều chỉnh cho phù hợp.

Hoặc trước đó nữa, để ra đời và phát triển được thị trường TPCP chuyên biệt cũng là một sự lựa chọn kỹ lưỡng, đầy trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng, thời điểm đó, nếu lãnh đạo Bộ Tài chính không quyết tâm chỉ đạo thì có lẽ rằng chúng ta sẽ khó có một thị trường TPCP phát triển nhanh và rất hiệu quả để Chính phủ có thể huy động được vốn đầu tư phát triển một cách chủ động và rẻ như bây giờ.

Thực tế còn có nhiều biến cố khách quan khó lường trên thị trường, có thể là sự cố hệ thống, có thể là khủng hoảng kinh tế trên thế giới, hay mới đây là đại dịch "Covid-19" vẫn đang "nóng hổi". Tôi nghĩ, tất cảm đều chứa đầy cảm xúc và áp lực trong quản lý, điều hành, thậm chí đó là quyết định đầy "cân não" - nếu đúng thì TTCK duy trì được sự ổn định và ngược lại.

Nhìn lại cả chặng đường dài 20 năm, chúng tôi đều cảm nhận được rõ nét những cảm xúc thăng trầm trong từng giai đoạn, nhưng về cơ bản là TTCK đã phát triển đúng hướng và đạt được những kết quả rất khả quan bước đầu. Đây là nền tảng, là hành trang để chúng ta phát triển TTCK Việt Nam bền vững hơn trong 10 hay 20 năm tới.

PV: Như ông nói, 20 năm qua là chặng đường xây dựng và phát triển ban đầu với nhiều kết quả ấn tượng. Vậy 10 hay 20 năm nữa sẽ là giai đoạn gì của TTCK Việt Nam, thưa ông?

Ông Trần Văn Dũng: Nếu như 20 năm qua là giai đoạn phát triển ban đầu và tương đối thành công thì tiếp theo sẽ là giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh hơn về chất, để khẳng định vị trí của TTCK trong nền kinh tế quốc dân.

Hiện nay chúng ta đã có cơ sở chắc chắn để trông chờ vào một sự phát triển của TTCK trong 10, 20 năm tới. Đầu tiên là chúng ta có Luật Chứng khoán 2019 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021. 

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về việc sắp xếp lại các Sở giao dịch chứng khoán, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, để chuyên nghiệp hóa các mảng TTCK. 

Chúng ta cũng đã hoàn thiện những khâu cuối của hệ thống công nghệ thông tin mới, áp dụng cho toàn thị trường – đây là cơ hội để TTCK phát triển an toàn hơn và có thể phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ mới. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng cơ sở nhà đầu tư đã có sự phát triển, các nhà đầu tư tham gia trên TTCK đã có sự trưởng thành vượt bậc, cho nên sự tham gia của các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế trong thời gian tới kỳ vọng sẽ rất tích cực.

Trên đây là những nền tảng cơ sở mà chúng tôi cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, tăng tính chiều sâu, bền vững và đóng góp hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế. 

 PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Linh