Chủ tịch Dragon Capital: ‘Nền kinh tế phải có một mức phát triển nhất định thì người dân mới có nhu cầu đầu tư vào các công cụ tài chính’
Kỉ niệm 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital đã có bài chia sẻ:
TTCK Việt Nam xuất phát là số 0 tròn trĩnh
"Tôi cho rằng việc mà Việt Nam làm 20 năm vừa rồi là khá thành công và vai trò của thị trường vốn của Việt Nam được xác định là then chốt cho nền kinh tế, ngành tài chính. Xuất phát điểm từ số 0 tròn trĩnh, TTCK Việt Nam đã vượt qua bao thăng trầm để có được qui mô như hiện nay, là một thành tựu to lớn.
Để nói về sự phát triển của TTCK trong thời gian qua, tôi muốn nhắc tới hai khái niệm:
Một là, khái niệm "đi từ số 0 đến số có" là một chuyện vô cùng quan trọng. Việc cho ra đời TTCK đã tạo ra một khái niệm, phạm trù mà trước đây Việt Nam chưa từng có. Tạo ra những cái mà mình chưa có kinh nghiệm là rất khó, dĩ nhiên mình có học hỏi kinh nghiệm của các nước đã có TTCK, nhưng phải triển khai sao cho phù hợp với Việt Nam. Việc đi từ số 0 đến 1 có thể được gọi là việc tạo ra "sự sống" với các khái niệm về TTCK.
Hai là, khi đã tạo ra được "sự sống" cho TTCK thì chúng ta phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và phát triển "sự sống" này. Phải có những khái niệm về xây dựng và phát triển TTCK, tăng qui mô, tăng chiều rộng, chiều sâu, phát triển về qui mô hoạt động, về vai trò của TTCK…
Như vậy, trải qua 20 năm hình thành và phát triển, có thể thấy TTCK Việt Nam năm nào cũng phát triển ấn tượng hơn năm trước và những người đặt nền móng cho TTCK, những người "lái tàu" cho thị trường hoàn toàn có thể tự hào về điều này.
Không thể nói thị trường vốn là mới, là nhỏ
Như chúng ta đã biết, trong nền tài chính của Việt Nam, hệ thống ngân hàng là lâu đời nhất, "chuyên dùng" nhất và được biết đến nhiều nhất. Bên cạnh đó thì có thị trường vốn. Nếu so sánh thị trường vốn trong đó có thị trường cổ phiếu, trái phiếu… thì tôi nghĩ qui mô của thị trường vốn không thấp hơn nhiều so với thị trường ngân hàng.
Về qui mô thì trong 20 năm qua, thị trường vốn đã phát triển ngang bằng với qui mô của thị trường ngân hàng. Cho nên vào thời điểm hiện nay, chúng ta không thể nói thị trường vốn là mới, là nhỏ và có lẽ đúng như thế, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương về nhu cầu tài trợ và phát triển trung và dài hạn của Nhà nước, của ngân sách, của các doanh nghiệp là phải tiếp cận tới thị trường vốn chứ không phải là một thị trường nào khác.
Vì vậy, vai trò, tiềm năng và tương lai phát triển của thị trường vốn là rất khả quan và có nhiệm vụ lớn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội và cũng là vinh dự của thị trường vốn Việt Nam.
Qui mô các công ty quản lí quĩ chưa phù hợp với nhu cầu
Đối với sự phát triển của ngành Quỹ, thì quĩ đầu tư là một trong những chủ thế bắt đầu hoạt động trên TTCK từ thời kì đầu. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, có lúc các chủ thể này phát triển hơi quá mức, chẳng hạn như số lượng công ty chứng khoán (CTCK) vượt quá 100, công ty quản lí quĩ (CTQLQ) vượt quá 50.
Qua các giai đoạn phát triển rồi thực hiện tái cấu trúc, một số thành viên thị trường yếu kém đã bị loại hoặc tự đào thải, trong khi đó một số thành viên thị trường khác ngày càng phát triển mạnh hơn. Như hiện có khoảng 10 CTCK được coi là lớn mạnh trên thị trường. Một số CTQLQ và vài ba ngân hàng lưu ký tương đối mạnh.
Nhưng điều tôi muốn nói là qui mô của các CTQLQ nói chung chưa phù hợp với yêu cầu. Hay nói cách khác là nhìn vào hoạt động giao dịch chứng khoán hàng ngày, chẳng hạn như trên thị trường trái phiếu thì ngân hàng thương mại vẫn là thành phần tham gia chính, chiếm phần lớn giao dịch và vai trò của các quỹ hầu như là không có.
Hay như đối với hoạt động giao dịch cổ phiếu, các thành phần tham gia đầu tư kinh doanh chính gồm có chủ doanh nghiệp, NĐT nước ngoài, NĐT Việt Nam mà chủ yếu là NĐT cá nhân (có cả cá nhân lớn) và thành phần này dựa nhiều vào tín dụng cầm cố. Còn các nhà đầu tư nước ngoài chiếm một phần nhất định nhưng chưa được lớn lắm vì nhiều lí do. Chúng ta cũng thấy vai trò của các quĩ trong hoạt động giao dịch chứng khoán hàng ngày là không nhiều.
Nếu muốn có một thị trường đủ các đối tượng tham gia, đặc biệt có những dạng nhà đầu tư chuyên nghiệp, có chuyên môn, có qui mô thì không thể không có các CTQLQ. Đây là các CTQLQ của Việt Nam, ở trong nước chứ không phải ở nước ngoài.
Những điều trên cho thấy, trong thời gian qua, ngành Quản lý quỹ cũng phát triển khá, không chậm. Nhưng để phát triển nhanh hơn nữa còn là một chặng đường rất dài nằm ở phía trước và còn khá nhiều việc phải làm để các quĩ có thể tạo được nguồn vốn tin cậy, các hành động với trách nhiệm của cổ đông chuyên nghiệp để tăng tính quản trị.
Trên chặng đường sắp tới, để tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với công ty quản lý quĩ là một vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Các CTQLQ cũng đã làm việc, nghiên cứu rất nhiều với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các cán bộ của UBCKNN là phải làm sao để các CTQLQ cũng là một phần trong kế hoạch của các nhà đầu tư.
Nền kinh tế phải có một mức phát triển nhất định thì người dân mới có nhu cầu để đầu tư vào các công cụ tài chính
Quay lại khái niệm từ "số 0 đến có" với quĩ bởi vì khái niệm mà người dân, nhà đầu tư lấy tiền của họ gửi đến một công ty để tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán thì có nhiều vấn đề mà người dân và nhà đầu tư cá nhân rất lo lắng. Mấu chốt là phải có tính thuyết phục. Theo tôi có hai nguyên nhân chính là khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, một nền kinh tế phải có một mức phát triển nhất định thì người dân mới có nhu cầu để đầu tư vào các công cụ tài chính. Còn nếu mức phát triển vẫn thấp thì người dân chưa có nhu cầu trên vì họ còn phải lo cho những nhu cầu cấp bách hơn như ăn uống, nhà cửa…
Vì vậy, thực tế là mức thu nhập trung bình của một người Việt Nam ở các địa phương khác nhau. Do đó, nền kinh tế cần phải phát triển đến một mức nào đó để họ thấy là tiền gửi ngân hàng là đủ, nhà ở đủ… và tiền dư thừa phải đầu tư vào các công cụ tài chính khác.
Nguyên nhân chủ quan là một trong những thành viên tham gia trực tiếp trên TTCK, các CTQLQ có nhiệm vụ chào bán những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư với các loại phí hợp lý. Đặc biệt, các CTQLQ cần phải tạo được một bề dày kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp và uy tín trong giới đầu tư. Điều này là không dễ.
Ví dụ như có một nhà đầu tư hỏi các CTQLQ là đầu tư vào chứng khoán có được bảo toàn vốn và sinh lãi như ngân hàng không? Nhưng như chúng ta đã biết, đầu tư vào chứng khoán không đảm bảo an toàn vốn và như vậy khi nhà đầu tư nhìn vào TTCK, họ thấy họ phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư của mình, nhưng đồng thời TTCK lại có khả năng phát triển vốn cho chính bản thân họ.
Vậy, làm sao để nhà đầu tư hiểu được điều đó? Đây là một vấn đề thách thức làm sao để giúp nhà đầu tư hiểu và nâng cao nhận thức phải tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động đầu tư của họ.
Ngoài ra, nội tại các quĩ cũng phải mạnh dạn trao đổi, giải thích, giải trình, thuyết phục, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư để họ thấy đầu tư là phải xứng đáng. Đây là chuyện các quĩ phải làm. Hiện nay, một số CTQLQ đã rất nỗ lực để làm được điều này, một số còn gặp khó khăn nhưng có sự cạnh tranh như vậy là để cùng nhau xây dựng nên một thị trường phát triển.
Bên cạnh sự nỗ lực của các CTQLQ, Quỹ đầu tư, với Luật Chứng khoán mới vừa được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Tôi và những người quan tâm tới lĩnh vực này mong cơ quan quản lý sớm ban hành những Nghị định, Thông tư hướng dẫn để Luật sớm đi vào hoạt động. Đây là điều quan trọng nhất, còn những việc khác thì việc gì tới sẽ tới.