|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Nguyễn Duy Hưng: Thị trường muốn tồn tại phải chuyển được tiền tiết kiệm vào thị trường chứng khoán

17:43 | 28/07/2020
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, tiết kiệm là kênh huy động quan trọng nhất của thị trường. Nhưng làm thế nào để chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang vốn cho thị trường chứng khoán thì lại không dễ.

Chiều nay (28/7), Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức Tọa đàm kí ức và kì vọng kỉ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đã có những chia sẻ về những câu chuyện trong ngày đầu phát triển thị trường cũng như kì vọng trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ về việc bảo vệ nhà đầu tư và huy động tiền tiết kiệm sang chứng khoán - Ảnh 1.

Tọa đàm kí ức và kì vọng kỉ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Quang Phúc

"Câu chuyện tương lai hướng đến điều gì thì phải quay lại trong hai năm qua chúng ta có những điểm nhấn gì. Có một thứ mà ít người nhớ, đó là UBCK ra đời với hai chức năng, là quản lí thị trường và xây dựng thị trường. Xây dựng thị trường làm sao để NĐT họ quan tâm và thứ hai là để có "hàng", tức là có công ty niêm yết", ông Hưng mở đầu phần chia sẻ.

Trong những ngày đầu, lãnh đạo của UBCKNN đã chỉ đạo làm sao để có nhiều công ty niêm yết nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.

Chia sẻ về kinh nghiệm về thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết, ông Hưng nhấn mạnh về việc miễn thuế thu nhâp doanh nghiệp.

"Chỉ có từ 5 - 6 tháng đến đúng ngày hạn mức để hết thời hạn được miễn thuế nếu là công ty niêm yết. Nhờ đó, từ chỗ kêu gọi khắp nơi để các doanh nghiệp niêm yết, tức là họ đang đóng vai trò "cửa trên" trong chuyện xem xét có niêm yết hay không thành các doanh nghiệp niêm yết kịp thời. Trong những người niêm yết kịp thời có tôi. SSI đã niêm yết rất nhanh vào Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và một năm sau thì chuyển vào Sài Gòn (Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM)".

"Thị trường có muốn tồn tại hay không thì phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán"

Đó là những chia sẻ của người đứng đầu Chứng khoán SSI trong việc phát triển hàng hóa trên thị trường trong những ngày đầu. Còn về câu chuyện trong tương lai, ông Nguyễn Duy Hưng đề cập đến việc làm sao để cho thị trường mình bạch.

"Nếu chỉ nói chung chung tính minh bạch thì rất khó, nhưng cuối cùng phải xác định được đối tượng cần bảo vệ. Những người nào không chủ động được hành vi của mình là những đối tượng cần được bảo vệ nhất. Vì vậy theo tôi, nhà đầu tư là đối tượng cần được bảo vệ nhất trên thị trường".

Nhưng đối tượng bảo vệ ở đây không có nghĩa là dắt tay chỉ việc nhà đầu tư, mà đưa ra những chuẩn mực nhất định để áp dụng công bố thông tin minh bạch, ông Nguyễn Duy Hưng lập luận.

Theo Chủ tịch SSI, chuẩn mực thì không bao giờ hoàn thiện, luôn cập nhật sửa đổi nhưng hướng đến đối tượng cần bảo vệ nhất là NĐT trong nước.

Nói thêm về chủ đề này, ông Hưng cho rằng thị trường có muốn tồn tại hay không thì phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán. Đấy mới là kênh huy động quan trọng nhất của thị trường.

"Còn chúng ta cứ nói thu hút NĐT nước ngoài, các NĐT ngoại có vào thì họ cũng ra, đặc biệt các quĩ ETF. Lúc tốt thì tốt đấy, nhưng họ rút vốn ra cũng là nhanh nhất."

Ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ về việc bảo vệ nhà đầu tư và huy động tiền tiết kiệm sang chứng khoán - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ tại tọa đàm chiều nay. Ảnh: Quang Phúc

Làm thế nào để chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán

Nhưng làm thế nào để chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang vốn cho thị trường chứng khoán thì lại không dễ. Cuối cùng quay lại như câu chuyện làm sao để có nhiều doanh nghiệp niêm yết, được miến thuế thu nhập mấy năm thì tự khắc các doanh nghiệp ào ào đưa công ty lên sàn.

Phải gắn quyền lợi của các tổ chức, con người vào thì mới thực hiện được. Chỉ khi đó, thị trường chứng khoán mới thực sự bền vững, lành mạnh.

"Nhưng nói thế không có nghĩa hiện nay chúng ta đang kém. Khi chúng ta muốn xây một cái gì đấy thì phải đi từ 1 rồi 2, từng bước lên 10, chứ không có cách nào để mà hôm nay chúng ta 2 ngày mai chúng ta 10. Nếu ta đứng ở 10 để mà nhìn lại thì 2 hay 3 cũng giống nhau, nhưng thực ra 2 lên 3 đã là tốt lên 50%, 2 lên 4 là tốt lên 200% và không có gì mà đi quá nhanh được", ông Hưng nói. 

 Kết thúc phần chia sẻ, Chủ tịch SSI bày tỏ kì vọng: "Tôi chỉ mong muốn làm sao để thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp cận dần, tiếp bước kinh nghiệm của các thị trường lên cao. Câu chuyện nâng hạng thực sự được Nhà nước ra những chính sách để các NĐT chuyển từ tiết kiệm sang thị trường. Chỉ có khi đó thị trường mới tốt, các chức năng của thị trường thì Sở GDCK, các CTCK, các quĩ phát triển thị trường".

Lợi Hoàng