Báo cáo việc làm tháng 11 chưa đảm bảo nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm
Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 8/12, nước này đã tạo thêm 199.000 việc làm trong tháng 11. Kết quả này cao hơn ước tính 190.000 của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát cũng như đi lên so với con số 150.000 ghi nhận trong tháng 10.
Tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống còn 3,7%. Các chuyên gia đã bớt lo lắng vì một số người từng e ngại rằng nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng tăng 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước, điều này sẽ thoả mãn quy tắc Sahm, qua đó báo hiệu suy thoái.
Theo CNBC, báo cáo việc làm tháng 11 cho thấy suy thoái có khả năng sẽ không xuất hiện. Ông Daniel Zhao, nhà kinh tế trưởng tại nền tảng tuyển dụng Glassdoor, nhận xét: “Thị trường việc làm đang góp phần giúp nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm”.
Tuy nhiên, bản báo cáo không thể loại bỏ hoàn toàn nỗi lo về nền kinh tế số một thế giới. Nỗi sợ chủ yếu bắt nguồn từ việc chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa thể hiện hết tác động và vì vậy nó vẫn có thể kích hoạt suy thoái.
“Yếu tố khó đoán nhất đối với thị trường lao động năm tới là liệu tăng trưởng việc làm có chậm lại với tốc độ bền vững hơn, hay liệu nền kinh tế sẽ mất đi nhiều việc làm thay vì tuyển dụng thêm nhân công hàng tháng.
Nếu Mỹ tạo ra thêm việc làm, kịch bản hạ cánh mềm của Fed có thể sẽ thành hiện thực. Ngược lại, nếu Mỹ mất thêm việc làm, suy thoái có thể xảy ra”, nhà kinh tế trưởng Gus Faucher của PNC Financial Service cho hay.
Quan trọng là người tiêu dùng và lạm phát
Chìa khoá để quyết định nền kinh tế Mỹ hạ cánh như thế nào là người tiêu dùng - bộ phận chiếm gần 70% hoạt động kinh tế.
Về khía cạnh này, thị trường đã đón nhận một tin tốt khác vào ngày 8/12. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan thực hiện cho thấy kỳ vọng lạm phát đã giảm mạnh trong tháng 12. Người tham gia khảo sát dự đoán lạm phát trong một năm tới sẽ vào khoảng 3,1%, giảm 1,4 điểm % so với kết quả tháng trước.
Song, chiến lược gia Liz Ann Sonders của ngân hàng Charles Schwab, cho rằng những thước đo như trên có thể “không ổn định” và không phù hợp với những báo cáo khác về người tiêu dùng.
Trước năm 2023, bà Sonders và Schwab đã nhấn mạnh khái niệm “suy thoái luân phiên”, tức là một số lĩnh vực có thể sa sút nhưng không kéo toàn bộ nền kinh tế đi xuống. Suy thoái luân phiên vẫn có thể xảy ra trong năm 2024.
Để nền kinh tế có thể hạ cánh mềm, công chúng cần phải tin rằng lạm phát đã thực sự bị chế ngự và Fed có thể “thả phanh”. Hồi tháng 10, tỷ lệ lạm phát tính theo thước đo ưa thích của Fed là 3,5%, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ dù vẫn đang trong xu hướng giảm.
Lo ngại về lãi suất
Hôm 8/12 còn ghi nhận một tin tốt khác về lạm phát. Chi phí thuê nhà trên toàn nước Mỹ đã giảm 0,57% so với tháng 10 và 2,1% so với cùng kỳ vào tháng 11, theo nền tảng Rent.com. So với một năm trước thì đó là mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm rưỡi.
Song, có một diễn biến thú vị sau các dữ liệu kinh tế mới nhất là thị trường đã bớt kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất mạnh tay, trái với dự đoán trước đó của các nhà đầu tư.
Theo dữ liệu của CME Group, hầu hết nhà đầu tư tin Fed đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất. Tuy nhiên, hiện tại họ cho biết xác suất ngân hàng trung ương Mỹ hạ lãi suất lần đầu vào tháng 3/2024 chỉ còn 45%.
Ngoài ra, các nhà đầu tư từng hy vọng Fed sẽ giảm chi phí đi vay tổng cộng 1,25 điểm % vào năm tới. Sau loạt báo cáo mới, họ nghĩ Fed có thể sẽ chỉ hạ lãi suất khoảng 1 điểm %.
Thay đổi nói trên có lẽ không quá lớn, nhưng thị trường đang cho thấy họ không chắc chắn về lập trường của Fed. Lãi suất chuẩn tại Mỹ đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn 22 năm.