|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhân tố bí ẩn đang nhen nhóm hy vọng Fed có thể hạ cánh mềm nền kinh tế Mỹ

15:49 | 21/11/2023
Chia sẻ
Lực lượng lao động và năng suất lao động cùng đi lên đã Fed giúp hạ nhiệt lạm phát mà vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP tích cực.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Barron's/Getty Images, Dreamstime).

Hồi cuối tháng 10, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã báo hiệu một thay đổi quan trọng khi ông nói ngân hàng trung ương này không nhất thiết phải lo lắng rằng tăng trưởng GDP tích cực sẽ thúc đẩy lạm phát đi lên.

Nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Mỹ dường như đã tạm khởi sắc khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng được nới lỏng và số người sẵn sàng làm việc cũng như năng suất của họ đều cải thiện.

Điều này cho thấy tại sao ông Powell lại cố giảm bớt lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng 4,9% trong quý III năm nay có thể khiến áp lực giá phình to.

Dù tăng trưởng có thể sẽ chậm lại trong quý IV, nền kinh tế lớn nhất thế giới nhìn chung vẫn khoẻ mạnh. Lạm phát và tăng trưởng tiền lương đều tiếp tục hạ nhiệt so với trước. 

 

Theo Wall Street Journal (WSJ), trong các mô hình mà hầu hết nhà kinh tế (bao gồm Fed) sử dụng, khi tăng trưởng liên tục vượt xu hướng dài hạn là 2%, tỷ lệ thất nghiệp thường giảm và áp lực lạm phát sẽ tăng lên. Nếu tăng trưởng duy trì dưới 2% thì nền kinh tế sẽ đi theo hướng ngược lại.

Trước tháng 11 này, ông Powell đã nhiều lần khẳng định rằng Mỹ cần “tăng trưởng dưới xu hướng dài hạn” trong một thời gian để lạm phát giảm xuống.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm nay đã vượt 2%, tỷ lệ thất nghiệp đi lên và lạm phát lõi đã tụt xuống còn 2,8% trong 6 tháng tính đến tháng 9, giảm so với mức 4,5% trong 6 tháng trước đó.

Tại cuộc họp báo vào ngày 1/11, Chủ tịch Fed đã điều chỉnh phát biểu của mình. Ông nói nền kinh tế cần phải tăng trưởng “dưới mức tiềm năng”.

WSJ nhận định rằng ông Powell đang cố gắng giúp công chúng phân biệt giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế theo xu hướng dài hạn và tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong ngắn hạn. Tốc độ tiềm năng có thể nhanh hoặc chậm hơn xu hướng dài hạn, tuỳ thuộc vào nguồn cung lao động và năng suất của người làm.

 

Quan điểm của ông Powell vẫn là về lâu dài, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2%. Song, ông cho biết sự gia tăng của dân nhập cư và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, cùng với việc chuỗi cung ứng dần hồi phục, đã nâng tiềm năng tăng trưởng trong ngắn hạn lên cao hơn.

Ông cho rằng tốc độ tăng trưởng tiềm năng "sẽ tạm thời cao hơn xu hướng dài hạn khoảng một hoặc hai năm". Ông Powell nhấn mạnh: "Điều đó đồng nghĩa rằng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2% trong năm nay nhưng vẫn dưới tốc độ tiềm năng..."

Theo WSJ, “thuyền trưởng Fed” đang kể ra một câu chuyện để giải thích cho kỳ vọng lâu nay của các quan chức rằng lạm phát có thể giảm mà tỷ lệ thất nghiệp không cần tăng mạnh như vào thập niên 1980. Hay nói cách khác, đây chính là kịch bản hạ cánh mềm nền kinh tế mà Fed đã nhắc đến nhiều lần.

Câu chuyển đổi chiều

Đại dịch COVID-19 có thể đã từng làm cho khả năng cung ứng hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế Mỹ sụt giảm. Song, giờ đây nguồn cung đang dần bắt kịp.

Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn từng khiến các nhà sản xuất ô tô khó nâng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu mạnh lên vào năm 2021. Khi đó, người Mỹ đang dư dả tiền bạc và lãi suất thì chạm đáy. Do vậy, giá xe ô tô đã tăng chóng mặt.

Diễn biến tương tự cũng xuất hiện trên thị trường lao động. Lượng người nhập cư giảm sút và nhiều công nhân rời bỏ thị trường việc làm đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động. Tiền lương do vậy đã bật tăng.

 

Năm nay, nguồn cung cuối cùng đã có dấu hiệu phục hồi. Như đã nói, các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã được tháo gỡ phần nào, lượng người nhâp cư và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ngày càng tăng đã thúc đẩy thị trường việc làm.

Bên cạnh đó, cơn sốt xây dựng trong đại dịch đã giúp bổ sung nguồn cung nhà ở mới. Vì vậy, giá hàng hoá, chi phí thuê nhà và tiền lương đều đã hạ nhiệt.

Ngoài ra, nguồn cung trong nền kinh tế cũng được hưởng lợi khi năng suất lao động gia tăng. Theo WSJ, năng suất đã đi lên đáng kể trong quý II và III năm nay.

 

Chia sẻ ở một sự kiện gần đây, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco là bà Mary Daly nói có thêm người lao động là một tin tốt cho nền kinh tế, cho phép “tăng trưởng tiền lương chững lại mà không gây ra điều chỉnh lớn về nhu cầu”.

cho biết triển vọng hạ gục lạm phát mà không gây ra suy thoái nghiêm trọng đã sáng rõ hơn vì “các bộ phận khác của nền kinh tế mà Fed không kiểm soát đã và đang điều chỉnh”.

Loạt diễn biến kể trên không đồng nghĩa rằng Fed đã sai khi tăng lãi suất. Ông David Mericle, nhà kinh tế cấp cao của Goldman Sachs, cho biết các đợt nâng lãi suất này đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế nhu cầu, giữa lúc phía cung của nền kinh tế tự phục hồi.

Khả Nhân