Lạm phát hạ nhiệt đáng kể trong tháng 10, Fed có lý do để ngừng tăng lãi suất
Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với tháng 9, CPI đi ngang. Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo CPI sẽ tăng lần lượt 3,3% so với cùng kỳ và 0,1% so với tháng 9.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi đi lên 4% so với một năm trước. Đây là mức tăng nhỏ nhất trong hai năm qua, dù vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
CPI lõi của tháng 10 tăng 0,2% so với tháng 9. Theo hãng tin CNBC, cả hai số liệu lạm phát lõi đều thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế là 4,1% và 0,3%.
Báo cáo chỉ ra, giá năng lượng đã giảm 2,5% so với tháng trước vào tháng 10, giúp bù đắp cho mức tăng 0,3% của giá thực phẩm. Chi phí nhà ở, một thành phần quan trọng của chỉ số CPI, đi lên 0,3% - bằng một nửa mức tăng ghi nhận trong tháng 9.
Chi phí xe cộ đi xuống khi giá xe mới sụt 0,1%, và giá xe cũ giảm 0,8%. Giá vé máy bay, một thành phần được theo dõi sát sao khác trong CPI, sụt 0,9%. Song, chi phí bảo hiểm xe cơ giới lại tăng 1,9%.
Thị trường tài chính phản ứng tích cực với báo cáo lạm phát tháng 10. Hợp đồng tương lai gắn với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 300 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh. Theo dữ liệu của CME Group, các nhà đầu tư hầu như không còn tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Báo cáo được công bố ngay thời điểm thị trường đang theo dõi sát bước đi tiếp theo của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát. Kể từ tháng 3 năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 11 lần, tổng cộng 525 điểm cơ bản.
Loạt tín hiệu trái chiều
Trong khi các nhà đầu tư dự đoán Fed đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách, các dữ liệu gần đây đang phát đi những tín hiệu trái ngược nhau, CNBC lưu ý.
Báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ cho thấy vào tháng 10, nền kinh tế số một thế giới chỉ tạo ra thêm 150.000 việc làm. Điều này chứng tỏ thị trường lao động cuối cùng cũng đã có dấu hiệu yếu đi sau những nỗ lực của Fed.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9% trong quý III (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), dù hầu hết chuyên gia dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể.
Các chỉ số khác cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng vẫn đang đi lên. Nguyên nhân có thể là do giá xăng tăng đột biến và bất ổn mà chiến sự ở Ukraine và Dải Gaza gây ra.
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến thị trường bất an khi tuyên bố mình và các đồng nghiệp vẫn chưa thấy tự tin rằng họ đã làm đủ để đưa lạm phát quay về mức 2%.
“Thuyền trưởng” Fed nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không ngần ngại nâng lãi suất nếu không chứng kiến thêm tiến bộ trên mặt trận chống lạm phát.
Phát biểu tại sự kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Chủ tịch Powell nhận định lạm phát vẫn “cao hơn nhiều” so với mức mà Fed muốn thấy, trong khi đó ông mô tả chính sách tiền tệ “đã thắt chặt đáng kể”.
Ông bày tỏ: “Tôi và các đồng nghiệp hài lòng với tiến bộ này nhưng dự đoán quá trình đưa lạm phát về mức 2% còn một chặng đường dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi thành công”.
Ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, cho hay: “Bất chấp việc áp lực giá đi xuống, Fed có thể sẽ tiếp tục giữ vững lập trường diều hâu và không ngừng cảnh báo nhà đầu tư đừng quên quyết tâm đưa lạm phát về mức 2% của họ".
Và ngay cả khi Fed đã hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất lịch sử, thị trường cũng không chắc ngân hàng trung ương này sẽ giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm trong bao lâu.