|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế Mỹ tạo nhiều việc làm hơn dự báo, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm vào tháng 11

20:47 | 08/12/2023
Chia sẻ
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã bất ngờ giảm từ mức 3,9% của tháng 10 xuống còn 3,7% vào tháng 11.

Một bảng tuyển dụng tại Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 199.000 việc làm trong tháng 11. Số liệu cao hơn một chút so với ước tính 190.000 của các chuyên gia do Dow Jones khảo sát cũng như cao hơn mức tăng 150.000 ghi nhận vào tháng 10.

Theo báo cáo, chăm sóc sức khoẻ là ngành tạo nhiều việc làm nhất khi tuyển 77.000 lao động mới trong tháng 11. Các tổ chức, lĩnh vực có đóng góp lớn khác là chính phủ (49.000), sản xuất (28.000), và khách sạn - giải trí (40.000).

Trước thềm kỳ nghỉ lễ cuối năm, lĩnh vực bán lẻ mất 38.000 lao động, một nửa đến từ các cửa hàng bách hoá. Vận tải và kho bãi mất 5.000 việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp tụt xuống mức 3,7% do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vọt lên 62,8%. Dự báo của các chuyên gia là 3,9%, giữ nguyên so với tháng 10.

 

Thu nhập trung bình hàng giờ của người lao động tăng 0,4% so với tháng 10 và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng so với tháng liền trước cao hơn một chút so với ước tính là 0,3%, nhưng tốc độ hàng năm phù hợp với dự báo.

Thị trường tài chính phản ứng trái chiều với báo cáo này. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm nhẹ, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ đi lên.

Chia sẻ với CNBC, ông Robert Frick, nhà kinh tế tại tổ chức Navy Federal Credit Union, nhận định: “Điều chúng tôi muốn thấy là một thị trường lao động mạnh mẽ nhưng đã hạ nhiệt và đó là những gì chúng tôi thấy trong báo cáo việc làm tháng 11”.

Vị chuyên gia nhấn mạnh “việc làm vẫn tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp hơn và tăng trưởng tiền lương vừa phải hơn”.

Ông Frick cho rằng các yếu tố trên chứng tỏ thị trường lao động sắp quay về trạng thái cân bằng, tạo trung bình 150.000 việc làm mỗi tháng vào năm tới. Thị trường sẽ tiếp tục mở rộng nhưng không quá mạnh “để khiến Fed phải nâng lãi suất”.

Báo cáo việc làm công bố vào thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Mặc dù siêu cường số một thế giới vẫn tăng trưởng bấp chấp loạt dự báo sẽ suy thoái trong năm nay, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng GDP sẽ chững lại đáng kể trong quý IV và tăng nhẹ vào năm 2024.

Các quan chức Fed đang theo dõi sát sao số liệu việc làm bởi họ đặt mục tiêu sẽ làm suy yếu nền kinh tế và thị trường lao động nhằm đưa lạm phát quay trở về mức 2%.

Kể từ tháng 3 năm ngoái, ngân hàng trung ương này đã nâng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản. Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ hiện nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm.

 

Nhiều nhà đầu tư tin tưởng Fed sẽ tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất và bắt đầu hạ chi phí đi vay vào năm tới, dù các quan chức ngân hàng trung ương vẫn tỏ ra thận trọng.

Hiện tại, các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ thực hiện đợt hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 3 năm tới. Tuy nhiên, sau báo cáo việc làm tháng 11, xác suất về đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5 đã tăng lên.

Fed sẽ tổ chức cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023 vào tuần tới. Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi xem các quan chức nhìn nhận như thế nào về nền kinh tế Mỹ.

Người tiêu dùng đang nắm giữ chìa khoá của nền kinh tế và theo hầu hết các thước đo, người tiêu dùng đang trụ khá vững.

Doanh số bán lẻ tháng 10 giảm 0,1% so với tháng liền trước nhưng vẫn tăng 2,5% so với cùng kỳ. Báo cáo này không được điều chỉnh theo lạm phát, vì vậy chúng cho thấy chí ít người tiêu dùng gần như đã bắt kịp với đà tăng của giá cả.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không tính giá năng lượng và thực phẩm (PCEPI lõi), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 3,5% so với cùng kỳ vào tháng 10.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng các khoản cứu trợ thời COVID và áp lực không dứt từ lãi suất cao có thể ảnh hưởng xấu đến chi tiêu tiêu dùng.

Theo dữ liệu được Fed công bố vào đầu tuần này, tổng tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ đã sụt khoảng 1.300 tỷ USD trong quý III xuống còn 151.000 tỷ USD, phần lớn do đà giảm của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, nợ hộ gia đình đi lên 2,5%, gần với tốc độ trong nhiều quý vừa qua.

 

Yên Khê